Bơi lội Việt Nam cùng thiện chí để giúp VĐV

Đó là chia sẻ quan điểm của Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam đồng thời là Trưởng bộ môn bơi lội (Tổng cục TDTT) - ông Đinh Việt Hùng khi trao đổi với SGGP Thể Thao ngày 21-12 về rắc rối giữa VĐV Nguyễn Diệp Phương Trâm và bơi lội TPHCM.

Bơi lội Việt Nam cùng thiện chí để giúp VĐV ảnh 1

Nếu đầu tư tốt thì kình ngư trẻ Phương Trâm sẽ còn tiến xa ở đấu trường quốc tế.  Ảnh: D. Phương

VĐV luôn thiệt thòi

Cũng theo ông Hùng, trường hợp của Nguyễn Diệp Phương Trâm với CLB bơi Yết Kiêu (thuộc quản lý của Sở VH-TT TPHCM) chỉ là một sự vụ điển hình của bơi lội. Nhìn rộng ra, không ai muốn xảy ra tranh chấp để rồi đôi bên cùng bị khó dễ. Tất nhiên, những phân tích chỉ ở phần nào đó bởi VĐV và đơn vị chủ quản của họ mới là các bên rõ nhất rồi mới ngồi lại ký kết hợp đồng cùng nhau. Xảy ra sự việc thì cuộc chiến pháp lý mới được tính đến.

“Phương Trâm chỉ là một ví dụ của bơi. Tôi cũng thấy trong nhiều môn thể thao khác, có nhiều VĐV trẻ tốt nhưng trước việc không giải quyết được hợp đồng với đơn vị cũ đã bị gián đoạn thời gian phát triển. Đã có địa phương trong sự quyết tâm của mình còn gởi công văn tới lãnh đạo quản lý Nhà nước về thể thao để thông báo cấm thi đấu vì khúc mắc hợp đồng. Tôi cho điều đó là không đúng do việc cấm hay không cấm thì địa phương chỉ có thẩm quyền trong khu vực của mình, còn với thi đấu quốc gia đó là quyết định của lãnh đạo. May mắn là Phương Trâm không bị cư xử như vậy, nhưng là người quản lý, tôi luôn mong các địa phương nếu xảy ra tranh chấp hợp đồng, với VĐV ở môn bơi, thì đôi bên cùng có sự thiện chí làm việc cùng nhau đúng theo khuôn khổ pháp luật”, ông Hùng chia sẻ.

Đầu tư phải hiệu quả

Ông Hùng không ngại nói rằng: “Đã có đơn vị từng nhờ tôi giúp để tiếp cận với gia đình Phương Trâm và chấp nhận bỏ tiền bồi hoàn hợp đồng 961 triệu đồng như phía TPHCM yêu cầu. Đồng thời, họ hứa trả lương cao cho Trâm khi cháu về đầu quân. Nhưng mục tiêu của họ chỉ là hướng về các huy chương trong nước, Đại hội TDTT hoặc xa hơn là SEA Games. Tôi đã lắc đầu không thể giúp bởi vì đó là cách đầu tư không thật hiệu quả. Bơi Việt Nam sau nhiều năm đầu tư, bây giờ có thể tự tin hướng tới các mục tiêu châu Á và thế giới. Phương Trâm hay một số VĐV trẻ khác có năng lực đạt được như vậy nếu được đầu tư tốt. Khi tất cả chỉ vì muốn VĐV về đầu quân hướng cho mục tiêu trước mắt để đảm bảo thành tích trong nhiệm kỳ quản lý của mình còn nhiệm kỳ mới người mới sẽ  quản lý khác thì đó là điều có thể làm phí mất một VĐV bơi lội. Đầu tư phải thực chất và nhắm cho hiệu quả dài hơi”.

Chắc chắn, với VĐV trẻ như Phương Trâm, cô cũng rất mong mỏi được đầu tư để ra nước ngoài phát triển hơn hoặc chí ít có chuyên gia nước ngoài theo sát. Thực tế, bơi nữ Việt Nam sẽ không mãi chỉ trông vào một Nguyễn Thị Ánh Viên. Chúng ta rất cần VĐV phía sau nối bước. Phương Trâm là một trong số ấy.

Để bảo Trâm nếu được đi Mỹ hay một nước nào khác tập luyện thi đấu sẽ hơn Ánh Viên hay không thì không ai khẳng định ngay. Đó là yếu tố quyết định theo thời gian và năng lực phát triển cùng ý chí, tâm lý của VĐV. Chỉ một điều lãnh đạo ngành thể thao biết rõ, Phương Trâm đang ở tuổi 14 là thời gian phù hợp cần được đầu tư. Nếu chần chừ chỉ khoảng 2 năm thôi, người thiệt thòi là VĐV.

NGUYỄN ĐÌNH


Phương Trâm sẽ ở lại TPHCM?


Chiều qua 21-12, trong lần gặp gỡ tại Tòa án Nhân dân quận 1 TPHCM để giải quyết rắc rối nảy sinh với đại diện Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu (TPHCM), gia đình VĐV Nguyễn Diệp Phương Trâm đã rất lắng nghe và chia sẻ với những nhà làm thể thao thành phố, thay vì đền bù 400 triệu đồng được tính là chi phí đào tạo VĐV như báo chí đã nêu sau lần gặp hôm 17-12. Ngày 30-12 tới đây, đôi bên sẽ tiếp tục ngồi lại để tìm hướng đi tốt nhất giúp kình ngư tài năng này phát triển hơn nữa và trên tinh thần Phương Trâm sẽ tiếp tục gắn bó với TPHCM.

Theo ông Chung Tấn Phong, Chủ nhiệm Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu, thể thao TPHCM muốn Phương Trâm tiếp tục ở lại và sẽ có chế độ đãi ngộ đặc biệt khác trước. Ông Phong nhấn mạnh: “Vấn đề thương thảo lại hợp đồng như gia đình Phương Trâm nói không hề lớn vì Sở VH-TT TPHCM cũng đã cân nhắc. Nhưng hợp đồng phải thuận cho 2 bên, chứ không thay đổi để phù hợp với riêng Phương Trâm bởi hợp đồng là để sử dụng cho hàng ngàn VĐV khác nữa”.

Ngoài ra, ông Phong thừa nhận việc gia đình Phương Trâm mong muốn con đi tập huấn ở Mỹ như đàn chị Nguyễn Thị Ánh Viên là chính đáng. Nhưng điều này không thể một mình địa phương quyết định. Trong trường hợp Tổng cục TDTT chia sẻ về kinh phí thì TPHCM cũng sẽ có cơ chế để xin thêm ngân sách làm điều này. Cách đây 3 năm, họ cũng chi ra gần 500 triệu đồng để kình ngư Nguyễn Thị Kim Tuyến tập huấn 6 tháng ở Mỹ cùng Ánh Viên.

Ông Nguyễn Minh Trí – cha của VĐV Phương Trâm cho biết: “Phía TPHCM nói sẽ khôi phục lại mọi chế độ theo tuyến dự tuyển nếu con tôi đồng ý ở lại, cũng như có những điều chỉnh khác. Nếu cháu tiếp tục cống hiến cho TPHCM, tôi muốn 2 bên sẽ làm lại hợp đồng, có những điều khoản 2 bên phải ràng buộc nhau cho rõ ràng chứ không thể như trước”.

Ông Nguyễn Minh Trí (trái), cha của VĐV Phương Trâm trả lời phỏng vấn Ảnh: Nhật Anh

DŨNG PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục