Bệnh thành tích hại phong trào

Chuyện VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên (ảnh) đoạt đến 20 huy chương, trong đó có đến 18 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 vừa qua, nói lên điều gì? Về thành tích cá nhân, dù phá 3 kỷ lục quốc gia và 11 kỷ lục của đại hội nhưng đều không đạt đến những thành tích quốc tế đã có trước đó của kình ngư trẻ này, do cô không có đối thủ để cạnh tranh khi đăng ký thi đấu 17 nội dung thì lấy đủ 17 HCV.

Về sự đóng góp của Ánh Viên cho đoàn thể thao Quân đội cũng không có gì đáng kể. Nếu trừ đi gần 30 HCV của Ánh Viên (bao gồm cả HCV quy đổi từ thành tích Asiad 17 và SEA Games 27) thì đoàn thể thao Quân đội vẫn đứng hạng 3 toàn đoàn khi số lượng HCV của họ cao gấp 3 lần đoàn đứng thứ 4 là Thanh Hóa. Như vậy, việc đưa một VĐV đang ở đẳng cấp thế giới về thi đấu tại “ao nhà” không đem lại lợi ích gì cả.

Ngược lại, việc làm này gây ra sự thiếu công bằng. Trong gần 3 năm qua, Ánh Viên đã được xem là “tài sản quốc gia” khi cô được ngành thể thao đầu tư tập huấn dài hạn ở Mỹ với ngân sách lên đến 3 tỷ đồng/năm. Như vậy, rất khó nói rằng sự phát triển của Ánh Viên có công lớn của đơn vị quản lý. Rồi việc đưa VĐV ở trình độ rất cao về thi đấu tại giải nội địa chỉ khiến cho các VĐV khác mang tâm lý “chưa thi đấu đã thua”, ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích.

Và điều quan trọng hơn là trường hợp của Ánh Viên cho chúng ta thấy, thể thao Việt Nam vẫn còn nặng bệnh thành tích. Các VĐV đang được Nhà nước đầu tư chuyên sâu để phát triển sự nghiệp quốc tế thì không nên tranh đua ở đấu trường thấp hơn chỉ vì mục tiêu huy chương.

Thế nhưng, những việc tương tự vẫn cứ diễn ra tại Đại hội TDTT, Hội khỏe Phù Đổng hay thậm chí mới đây, ngành thể thao còn đưa các VĐV chuyên nghiệp dự giải Sinh viên Đông Nam Á - nơi chỉ dành cho các VĐV nghiệp dư, chủ yếu để phát triển mang tính phong trào. Sân chơi nào có lực lượng VĐV ấy. Một VĐV chuyên nghiệp góp mặt thì sẽ lấy đi một cơ hội thi đấu của nhiều VĐV khác. Không thể lấy lý do là VĐV thuộc sở hữu của mình, đang là sinh viên - học sinh, thì được quyền tham gia thi đấu mà quên mất rằng, sự bao biện ấy sẽ lấy đi cơ hội của người khác, tức là ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung của phong trào chứ không đem lại lợi ích thiết thực nào.

Không chỉ trong thi đấu, bệnh thành tích còn nặng nề hơn trong công tác tổ chức. Chúng tôi đã từng đề cập đến việc chi hàng ngàn tỷ đồng để tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7, nhưng sự lãng phí còn lớn hơn sau khi đại hội kết thúc. Tiêu biểu như nhà thi đấu đa năng tại tỉnh Hà Nam được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á với kinh phí xây dựng hơn 1.000 tỷ đồng hiện vẫn chưa hoàn thiện.

Dự kiến, nhà thi đấu 7.500 chỗ ngồi này chỉ dành để đăng cai một số giải quốc tế ở môn bóng chuyền thi thoảng Việt Nam mới đăng cai. Điều đáng nói là chỉ trong bán kính vài chục cây số, có hàng loạt nhà thi đấu với quy mô tương tự tại Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa…

Tính riêng ở khu vực đồng bằng Bắc bộ với khoảng cách địa lý khá gần nhau, có gần chục nhà thi đấu với sức chứa từ 5.000 - 7.000 chỗ mà mỗi năm chỉ có 1 - 2 giải quốc tế diễn ra. Cách đây 4 năm, khu liên hợp thể thao Đà Nẵng đã từng bị xem là lãng phí dù khu vực miền Trung rất ít cơ sở vật chất dành cho thể thao.

Việc tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 cũng đang gây nhiều tranh cãi khi có đến 3 lần lùi thời gian tổ chức, và khi diễn ra lại đúng vào mùa rét ở phía Bắc, ảnh hưởng lớn đến khả năng thi đấu. Thời điểm tổ chức lại vừa ngay sau Asiad 17, nhưng còn đến 6 tháng nữa mới đến SEA Games 28 (tháng 6-2015) nên không đạt được mục tiêu tuyển chọn VĐV cho các đội tuyển.

Tóm lại, việc tổ chức đại hội cũng chỉ là thành tích huy chương của các đoàn mà trên thực tế, chưa thi đấu cũng có thể xác định được.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục