Hôm nay 1-3, 8 xạ thủ tốt nhất của súng trường và súng ngắn nam, nữ Việt Nam lên đường tới Jakarta (Indonesia) tranh tài giải đấu thuộc hệ thống cúp châu Á 2023. Kể như, đây là cơ hội cọ xát quốc tế đầu tiên trong năm 2023 cho các xạ thủ nhằm tích lũy chuyên môn cũng như có sự chuẩn bị cho các lượt vòng loại tính thành tích nhằm tranh suất Olympic Paris (Pháp) 2024 của năm nay.
Bắn súng không nằm trong chương trình thi đấu chính thức của SEA Games 32 tại Campuchia. Tuy nhiên, điều ấy không đồng nghĩa, bắn súng sẽ không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng so với các đội tuyển thể thao quốc gia khác bởi rất nhiều mục tiêu mà đội tuyển bắn súng Việt Nam cùng nhà quản lý đã vạch ra ở năm nay. Xa hơn, mục tiêu quan trọng còn là ASIAD 19-2022.
Trên thực tế, mục tiêu muốn hoàn thành hiệu quả thì xạ thủ phải được tập, thi đấu và được bắn súng có…đạn. Vào lúc này, đạn dành cho các tổ nội dung của đội tuyển bắn súng Việt Nam đang thiếu. Đây là một sự thật mà tất cả xạ thủ cùng ban huấn luyện và lãnh đạo Tổng cục TDTT cùng lãnh đạo các Trung tâm HLTTQG – nơi có các đội tuyển từ tuyến trẻ cho tới quốc gia tập huấn – biết rõ ràng. Đạn dành cho súng thể thao gồm các loại đạn hơi, đạn nổ và đạn đĩa bay. Thế nhưng, khi chưa thể mua được đạn thì lúc này việc sử dụng đạn hơi để xạ thủ đội tuyển quốc gia tập, và thi đấu là cầm chừng cũng như phải dùng dè xẻn lượng đạn lưu trữ trong kho. Đạn nổ dành cho VĐV đã hết hoàn toàn.
Đội tuyển bắn súng Việt Nam và các đội tuyển thể thao quốc gia đã có những báo cáo về sự chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như trình văn bản đề xuất cung cấp, mua trang thiết bị theo quy định hàng năm tới lãnh đạo Tổng cục TDTT từ đó lãnh đạo báo cáo Bộ VH-TT-DL. Bắn súng không có đạn, việc đề xuất mua đạn đã được làm văn bản và lãnh đạo Bộ VH-TT-DL và Tổng cục TDTT biết điều này. Khi làm việc trực tiếp, người trong nghề mới hiểu rõ, việc mua sắm bổ sung đạn theo nhu cầu của đội tuyển bắn súng quốc gia hay đội bắn súng của các đơn vị địa phương là chưa bao giờ đủ.
Bởi vì, súng, đạn thể thao là danh mục đặc biệt đã được nhà nước quy định và việc mua phải do các công ty thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an cung cấp. Hiểu sơ về quy trình rằng khi ngành thể thao có đề xuất mua, các đề xuất được gởi văn bản tới các công ty có thẩm quyền cung cấp súng, đạn thể thao trên để từ đó khi được duyệt, các hợp đồng mua sẽ được làm việc với đối tác cung cấp ở nước ngoài và thực hiện mua. Mặc dù vậy, việc mua cũng phải theo trình tự, thủ tục về xuất, nhập khẩu cũng như đối tác ở nước ngoài sẽ xem xét số lượng, chứ không hẳn con số chúng ta muốn mua sẽ được cung cấp đủ hết. Với những quy trình và thủ tục như vậy, thời gian chờ đợi là lâu.
Đó là một trong những nguyên do ở rất nhiều giai đoạn, không phải tới bây giờ, việc mua đạn cho súng thể thao không dễ dàng nên xạ thủ đội tuyển quốc gia luôn ở tình trạng tập chay nhiều vì đạn chỉ được sử dụng vừa đủ. Thêm nữa, ở Việt Nam, duy nhất một công ty của Bộ Quốc phòng và một công ty của Bộ Công an cung cấp đạn thể thao chứ không nhiều đơn vị.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương đã yêu cầu tới ngày 15-3, các thủ tục và văn bản về việc mua đạn mới bổ sung cho đội bắn súng Việt Nam cần được giải quyết sớm. Tất cả cùng chờ các bên làm việc hiệu quả nhất để các khâu không bị chậm trễ.
Dù thế nào thì đội bắn súng Việt Nam vẫn có mặt tại Indonesia để thi đấu cúp châu Á 2023 từ ngày 1 tới 11-3. Ban huấn luyện đội tuyển mang một số lượng đạn phù hợp để các xạ thủ tập luyện và thi đấu ở giải này.