Nhưng có lẽ, ở đây chỉ còn lại “một con Rồng duy nhất”, “con Rồng giữa loài người”, đó chính là Roger Federer. So với Federer, cả 3 người còn lại hiện diện ở vòng đấu bán kết đơn nam của Wimbledon 2017, từ Tomas Berdych cho đến Marin Cilic và Sam Querrey, đều kém xa Rafael Nadal, Novak Djokovic và Andy Murray, họ chỉ xứng đáng là “hổ báo – cọp beo”. Việc họ có thể lọt được đến đây, có lẽ là do định mệnh, là do số phận của thời cuộc…
Federer – Berdych: Sao cản nổi Rồng bay?
Roger Federer đang có một phong độ cực cao trong mùa giải năm nay, và ở cả Wimbledon này. Tay vợt số 1 người Thụy Sỹ đang sở hữu thành tích thắng 24/26 trận đấu kể từ đầu mùa (tính cho đến trước khi Wimbledon khởi tranh), giành trọn vẹn cả 3 danh hiệu sân cứng lớn nhất đầu năm, đó là ở Grand Slam đầu mùa giải – Australian Open ở Melbourne Park, ở 2 giải tiểu Grand Slam Masters 1.000 – Indian Wells và Key Biscayne, cùng với ngôi vô địch thứ 8 ở Gerry Weber Open trên mặt sân cỏ.
Roger Federer - “Rồng” sẽ bay cao
Riêng ở Wimbledon, Federer đang có chuỗi thành tích thắng tuyệt đối 5 trận đấu và vẫn chưa đánh mất một ván đấu nào (Federer đang có chuỗi ván thắng tuyệt đối là 13-0, do đối thủ vòng đầu tiên của anh là Alexandr Dolgopolov bỏ cuộc ở ván đấu thứ 2 vì chấn thương khi đang bị dẫn 0-3). Nếu tính chung trong cả mùa giải sân đất nện năm nay, Federer hiện đang có 10 trận toàn thắng, và cũng chưa đánh mất một ván đấu nào.
So với Federer, Berdych chỉ như một con cọp “không cánh”, nghĩa là khó có thể bay cao lên trời. Tay vợt người CH Séc mới thắng 26 trận trong năm nay, nhưng song song đó, cũng đã để thua đến 13 trận. Anh chưa giành được danh hiệu nào kể từ đầu mùa. Đó là lý do, anh đã văng khỏi tốp 10 (thứ hạng mà anh sở hữu khi khởi đầu mùa giải năm nay), hiện đang xếp hạng 15 thế giới. Thành tích của Berdych trước khi bước đến với giải Wimbledon năm nay là 3 trận thắng – 2 trận thua. Ở Wimbledon, anh hiện đang có thành tích 5 trận toàn thắng, hiệu số ván thắng thua đang là 14-4. Nếu không phải do Djokovic buộc phải bỏ cuộc nửa chừng, vì bất ngờ bị dính chấn thương khủy tay trong trận đấu tứ kết mới đây, chẳng có ai dám chắc chắn rằng, Berdych có thể phiêu lưu được cho đến tận vòng đấu “tứ hùng” này, vòng đấu dành cho 4 tay vợt mạnh nhất ở Wimbledon 2017.
Khỏi phải nói cũng biết, Berdych tỏ ra hạnh phúc thế nào với kết quả này: “Đây chính là phần thưởng. Đây chính là lý do tại sao tôi bước ra sân đấu vào mỗi ngày, là lý do tại sao tôi luôn phải chuyên cần tập luyện, tại sao tôi đã làm tất cả mọi thứ mà tôi phải làm cho sự nghiệp của tôi, cho những thành tích, kết quả của tôi. Tôi không thể ở trong một vị thế tốt hơn trước trận đấu bán kết vào thứ Sáu”.
Dù vậy, Berdych cũng ý thức được rằng, khó khăn nào đang đón chờ anh khi đối đầu với “con Rồng giữa loài người” là Federer: “Tôi nghĩ, anh ấy là tay vợt vĩ đại nhất trong số những người vĩ đại nhất. Quả là một thách thức thật tuyệt vời khi có cơ hội thi đấu với anh ấy trong ngày hôm nay. Có thể, tôi chưa từng trông thấy anh ấy chơi với một phong độ ấn tượng hơn so với những gì mà anh ấy đã thể hiện ở Australian Open (ý Berdych muốn ám chỉ đến việc Federer đã “hủy diệt” anh trong trận thắng 3 ván đấu ở Úc mở rộng hồi đầu năm nay), sau đó, tôi đã có 1 match-point ở Miami và suýt đánh bại anh ấy (đó cũng lại là một trận thua khác của Berdych trước Federer, ở tứ kết của Key Biscayne). Hy vọng rằng, lần này sẽ là sự may mắn dành cho bản thân tôi”.
Querrey - Cilic: Cơ hội chia đều
So với trận đấu giữa Roger Federer và Tomas Berdych, trận bán kết đầu tiên giữa tay vợt người Mỹ Sam Querrey và tay vợt từng vô địch giải Mỹ mở rộng – Marin Cilic, có sự chênh lệch không lớn. Đây mới là trận bán kết Grand Slam đầu tiên của Querrey, nhưng cũng mới là lần đầu tiên Cilic lọt đến bán kết giải đấu tại All England Club.
Xét về phong độ, cả 2 đều đang gây ra nhiều bất ngờ vì không được đánh giá cao ở Wimbledon. Querrey được xem là tay vợt Mỹ đã “kịch trần”, không còn khả năng phát triển hơn nữa dù thời trẻ, khi bỏ học Đại học để theo đuổi sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp, anh từng được kỳ vọng là tài năng tương lai của làng quần vợt nam xứ sở cờ hoa. Trong khi đó, với ngôi vô địch US Open 2014, Cilic cũng được xem là đã vươn đến đỉnh cao nhất trong sự nghiệp, từ giờ trở về sau, anh chỉ có thể lùi, khó có thể tiến lên. Nhưng Wimbledon 2017, hóa ra lại là “cơ hội thứ 2” của 2 tay vợt này.
Dù vậy, nếu xét về hiệu số đối đầu trực tiếp, khi tiếng nói lịch sử vọng về, Cilic có ưu thế áp đảo so với đối thủ người Mỹ. Tay vợt người Croatia đã giành được cả 4 trận toàn thắng khi đối đầu với Querrey trong quá khứ, bao gồm trận thắng 4-6, 7-6 (7-3), 5-3, 6-7 (4-7), 6-4 ở vòng 2 của Wimbledon 2009; trận thắng 6-3, 3-6, 6-3 bán kết mặt sân cỏ tại Queen’s Club 2012; trận thắng 7-6 (8-6), 6-4, 6-7 (2-7), 6-7 (3-7) và 17-15 ở vòng 3 Wimbledon 2012; và trận thắng 7-6 (7-2), 7-6 (7-3) ở chung kết giải đấu tại Washington 2015.
Muguruza và Venus vào chung kết
Cả Magdalena Rybarikova của Slovakia lẫn Johanna Konta – niềm hy vọng số 1 của làng quần vợt Anh quốc tại Grand Slam ở quê nhà – đều thể hiện sự non nớt quá rõ ràng khi đối đầu với những tay vợt “có thâm niên” ở bán kết Grand Slam. Trong khi Rybarikova dễ dàng bị cựu vô địch Roland Garros đánh bại tan nát với điểm số 6-1, 6-1, Konta cũng gần như không thể trụ vững trước sự “già giơ” của đối thủ từng thắng 5 danh hiệu Wimbledon, cô đã để thua “tâm phục khẩu phục” với điểm số 4-6 và 2-6.
Với những gì đã và đang thể hiện, cả Muguruza lẫn Venus đều xứng đáng giành quyền vào chơi trận chung kết giải đơn nữ Wimbledon năm nay. Đây sẽ là trận chung kết thứ 2 của Muguruza ở Wimbledon, cô từng lọt đến trận đấu cuối cùng ở mặt sân cỏ tại All England Club hồi 2 năm trước và để thua trước chính Serena Williams, em gái của Venus, với điểm số 4-6 trong cả 2 ván đấu. Nhưng sau đó, Muguruza đã “báo thù thành công” bằng cách đánh bại Serena 6-4, 6-4 trong trận chung kết French Open 1 năm sau. Về phần mình, đây là trận chung kết Wimbledon thứ 9 trong sự nghiệp của Venus, cô đang có cơ hội đăng quang lần thứ 6 ở đây và sẽ là lần lên ngôi đầu tiên tại Grand Slam nói chung kể từ danh hiệu Wimbledon 2008. Chín năm cho một sự đợi chờ, cũng chẳng mất đi giá trị chút nào!