Với Federer, mọi chuyện có vẻ “rất ổn” cho đến trước game đấu thứ 9 của ván đấu khởi đầu. Nhập cuộc rất nhanh và hứng khởi, Federer đã sớm thắng break-point ở game 2 để dẫn 2-0, sau đó dù sớm bị gỡ break-point và bị rút ngắn điểm số xuống còn 1-2, anh vẫn tiếp tục thắng break-point để duy trì khoảng cách 2 game là 3-1.
Tuy vậy, Djokovic đã cân bằng break-point ở game đấu thứ 9, rút ngắn điểm số xuống còn 4-5, rồi sau đó gỡ hòa 5-5 và kéo ván đấu bước vào loạt tie-break. Kể từ đây trở đi, Djokovic đã khởi động cần số, kéo “con quái thú bằng máy móc trong cơ thể anh bộc phát hết ra bên ngoài”. Trong khi đó, Federer có dấu hiệu quá tải, và bị đau sau 2 trận đấu căng thẳng trước đó.
Tận dụng cơ hội, Djokovic liên tục đánh chiếm các điểm số mà Federer cầm giao bóng để dẫn 3-0, rồi 4-1, trước khi kết liễu loạt tie-break với điểm số là 7-1. Sau khi ván đấu đầu tiên khép lại, trong lúc Federer “co về”, nghi ngại chính bản thân mình, thì Djokovic bùng nổ dữ dội và giành chiến thắng trong cả 2 ván đấu cuối cùng. Djokovic dũng mãnh vào bán kết, còn Federer, rất có thể số danh hiệu Grand Slam của anh sẽ vĩnh viễn dừng lại ở con số 20.
Federer cay đắng thừa nhận: “Ngày hôm nay thật là khủng khiếp, khi đi qua những gì mà tôi đã làm. Đây là một màn chào sân khấu rất hay, một lễ tiễn đưa rất tốt, và ở phía giữa lại là thứ đáng để quên đi, bởi vì bạn biết bạn chỉ có 3% cơ hội để chiến thắng. Nhưng cuối cùng, tôi đoán rằng tôi vẫn rất hạnh phúc. Tôi phải hạnh phúc với những gì tôi đã gặt hái được (ở giải đấu này – một trận bán kết Grand Slam nữa chăng?). Tôi nghĩ, xét về toàn cục, tôi đã chơi tốt, thậm chí tốt nhất, đặc biệt sau khi dốc sức vượt qua các trận đấu với Millman và Sandgren”.
Trả lời câu hỏi xung quanh việc, liệu anh có nghi ngại với cơ hội của bản thân, rằng bước ra sân đấu với Djokovic ở tình trạng thể lực như thế này có bất lợi như thế nào, Federer phủ nhận: “Tôi không nghĩ tôi sẽ bước ra sân đấu nếu tôi không cảm thấy có cơ hội giành chiến thắng. Tôi không bị đau trước trận đấu, cho dù điều đó đã thay đổi trong ván 2 và ván 3, nhưng tôi vẫn cố gắng hoàn tất trận đấu mà không bỏ cuộc (trong suốt sự nghiệp của mình, Federer đã trải qua trọn vẹn 1.513 trận đấu, và anh chưa bao giờ bỏ cuộc”.
Sau tất cả những gì đã xảy ra, Federer vẫn “không can tâm, quyết không can tâm”. Anh mạnh mẽ cho biết: “Bạn không bao giờ biết tương lai sẽ nắm giữ điều gì. Đặc biệt, ở tuổi tác của tôi, bạn sẽ không bao giờ biết. Nhưng tôi tự tin. Tôi hạnh phúc về những cảm xúc của mình, thành thật là như vậy. Từ quan điểm này, tôi vẫn chưa nhìn thấy kế hoạch giải nghệ. Chúng tôi sẽ thấy năm tháng trôi qua, và mọi thứ với gia đình là như thế nào. Vì thế, hy vọng tôi có thể quay trở lại”.
Khi Federer khẳng định sẽ chưa giải nghệ, sẽ quay lại Melbourne Park vào năm sau, Djokovic… chuẩn bị cho tham vọng giành danh hiệu Australian Open thứ 8, và danh hiệu Grand Slam thứ 17. Đối thủ của anh sẽ là người giành chiến thắng trong cặp đấu giữa 2 Next Gen là Dominic Thiem và Alexander Zverev. Dù đó có là ai, Djokovic vẫn là ứng viên nặng ký nhất.