Atlanta Tennis Championshis 2010 - “Hàng hiệu” của người Mỹ

Không phải giải sân đất nện hồi xưa
Atlanta Tennis Championshis 2010 - “Hàng hiệu” của người Mỹ

Trong những hè ngày này, khi Wimbledon đã qua và US Open… chưa tới, người Mỹ vẫn tạm bằng lòng với giải đấu mang tên: “Atalanta Tennis Championships 2010”, không phải vì nó thu hút được nhiều “cao thủ” quần vợt danh tiếng trong “giới giang hồ”, mà đơn giản chỉ là vì ở đó có… vô khối tay vợt người Mỹ đăng ký tham dự. Lần đầu tiên, một giải quần vợt thuộc đẳng cấp của ATP World Tour có cơ hội quay trở lại thành phố Atlanta (thuộc bang Georgia, Mỹ) - thành phố từng tổ chức thi đấu môn quần vợt ở kỳ Olympic Atlanta 1996 - đó cũng chính là thứ gì đó đáng để người ta suy ngẫm…

Không phải giải sân đất nện hồi xưa

Một góc thành phố Atlanta.

Một góc thành phố Atlanta.

Atlanta Tennis Championships 2010 thực ra không phải là giải đấu trên mặt sân đất nện kiểu Mỹ hồi những năm trước. Giải Atalanta trên “mặt sân đất nện kiểu Mỹ” (thường được gọi là green-clay - sân cứng hơn và khiến bóng nảy nhanh hơn so với sân đất nện kiểu châu Âu) trong quá khứ là giải đấu diễn ra trong khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm - khoảng thời gian mà mùa giải sân đất nện đang được tiến hành tranh tài - trước mỗi kỳ Roland Garros.

Thực chất, Atlanta trên mặt sân đất nện kiểu Mỹ hồi xưa là giải đấu thuộc Tour đấu sân đất nện Bắc Mỹ diễn ra ngay sau khi nửa đầu mùa giải sân cứng (với các giải Masters lớn như Indian Wells, Key Biscayne) vừa kết thúc. Giải sân đất nện tại Atlanta lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1992 và nó đã trải qua đúng 10 mùa giải tranh tài - nó chấm dứt vào năm 2001, sau khi Andy Roddick đăng quang ngôi vô địch.

Từ đó cho đến nay, thành phố từng tự hào là địa điểm tổ chức thành công môn quần vợt tại Olympic 1996 vẫn chưa có cơ hội được chứng kiến một giải đấu quần vợt đỉnh cao diễn ra!

Giải ATP World Tour 250 từ Indianapolis chuyển đến

Andy Roddick và Mardy Fish trong một trận đấu đôi nam ở Atlanta Tennis Championships.
Andy Roddick và Mardy Fish trong một trận đấu đôi nam ở Atlanta Tennis Championships.

Việc thành phố Indianapolis “buông” giải ATP World Tour 250 - thường mang tên Indianaplis Tennis Championships - vì thiếu nhà tài trợ, vì khủng hoảng tài chính đã mang đến cho thành phố Atlanta một cơ hội lớn, cơ hội đưa quần vợt quay trở về. Việc Tập đoàn Atlanta nhảy vào đảm nhận vai trò tài trợ đã giúp cho mọi thứ gần như được giải quyết. Và thế là Indianapolis Tennis Championships nghiễm nhiên khoác lên mình màu áo mới với tên: “Atlanta Tennis Championships”, và năm 2010 sẽ là giải đấu đầu tiên.

“Nhị độ mai” Robby Ginepri (vô địch Indianapolis Tennis Championships 2009 sau khi đánh bại đồng hương Sam Querrey ở trận chung kết) vẫn được xem là nhà ĐKVĐ và anh là một trong số những tay vợt chủ nhà được chú ý nhất ở giải đấu năm nay. Bên cạnh Ginepri, một người khác thậm chí còn nổi tiếng hơn chính là… Andy Roddick. Roddick là người cuối cùng vô địch một giải đấu quần vợt ở Atlanta (không cần quan tâm đó là… trên mặt sân gì) và cũng như Ginepri, anh đang “săn” ngôi vô địch thứ 3 ở giải ATP World Tour 250 này…

Sức hút

Ngoại trừ những nhân vật chính như Ginepri, Roddick, còn có rất nhiều tay vợt nam nổi tiếng người Mỹ đăng ký tham dự giải đấu ở Atlanta, như: Talor Dent, Rajeev Ram, Mardy Fish, Donald Young, Micheal Russell, John Isner… Có một số người đã nói đùa, giải Atlanta năm nay (hay là giải Indianapolis hàng năm) chính là… một giải vô địch nước Mỹ “mở rộng” - và việc “mở rộng” này thường rất khéo, vì BTC giải không bao giờ khuyến khích một tay vợt tốp 10 nào khác không phải người Mỹ đăng ký tham gia ở đây. Đó là một yếu tố khiến… người Mỹ sướng - xem các tay vợt nhà vào sân đương nhiên sướng hơn việc chứng kiến họ bị loại sớm.

Yếu tố thứ hai tạo nên sức hút vì đây là giải sân cứng duy nhất diễn ra trong tuần lễ “kết sổ” của nhiều giải sân đất nện. Do vậy, dù nó chỉ là giải đẳng cấp 250, những người Mỹ (thường thích xem sân cứng hơn) vẫn chọn lựa đây là địa điểm mà họ lưu tâm và chú ý, đặc biệt nó lại còn là giải đấu diễn ra ở ngay trên đất Mỹ.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục