Cho đến tận giờ, mọi người có lẽ đã phải thừa nhận thực tế rằng quần vợt những năm qua chưa từng có cái gọi là “Big 4”. Đó chỉ là sự ảo tưởng của truyền thông Anh quốc nhằm đưa đứa con ưu tú nhất của mình ở quần vợt được nổi tiếng sánh ngang với “bộ 3” và tạo ra sự căng thẳng giả tạo trong cuộc đua đến các danh hiệu lớn.
Chúng ta hãy hình dung, “Big 4” bắt đầu được coi như hình thành vào năm 2011 với sự thăng tiến của Novak Djokovic lẫn Andy Murray trong vài năm trước đó. Nhưng khi Nole đã có cho mình 5 Grand Slam ở tuổi 25 thì Murray vẫn chỉ là kẻ thất bại tại các trận chung kết lớn. Anh vào chung kết Grand Slam 4 lần và phải đến tận Wimbledon 2012 mới có ván thắng đầu tiên trước khi gác vợt trước Roger Federer.
Chỉ đến khi Murray giành được HCV Olympic cùng năm đó và sau đấy 1 tháng, đoạt được US Open trong một trận đấu mà anh có lúc tưởng mình đã thua Djokovic, anh mới giải tỏa được tâm lí của kẻ thất bại vĩ đại. Những giải đấu lớn sau đó chứng kiến phong độ khá ổn định của Murray. Anh chỉ 2 lần thất bại ở vòng 4, còn lại đều đặn lọt vào rất sâu ở các giải đấu và 2 lần đăng quang tại Wimbledon (2013, 2016). Nhưng rõ ràng, như thế chẳng thể đủ để anh được sánh ngang hàng với “Top 3”...
...Bởi đó là 3 con quái vật đáng sợ nhất mà quần vợt từng sản sinh ra. Chỉ cần bộ 3 đó bớt đi 1 người trong số họ, số Grand Slam mà họ đang sở hữu có thể tăng gấp rưỡi. Họ kềm chế lẫn nhau trong một cuộc đua khốc liệt chưa từng có và mỗi khi bốc thăm phân nhánh, lại khiến người ta xuýt xoa tiếc rẻ vì 2 trong số đó sẽ gặp nhau sớm hơn trận chung kết.
Murray không có được vị thế ấy. Anh chẳng hơn gì Wawrinka, gã nóng tính nổi muộn, về số danh hiệu Grand Slam. Anh cũng không có được sự áp đặt lên những tay vợt thuộc hàng xuất sắc khác kiểu Tsonga, Berdych, Del Potro, Ferrer... giống như “Top 3” áp đặt. Và cuối cùng, anh không có được sự lì lợm như họ trong một trận chiến khốc liệt như chung kết Grand Slam.
Murray chưa từng thắng Federer ở chung kết lớn và chỉ vượt qua Djokovic 2 trong số 7 lần gặp gỡ. Anh vào chung kết Úc mở rộng đến 5 lần và đều thất bại, chỉ thắng vẻn vẹn 2 ván đấu. Thành công duy nhất mà Murray có thể tự hào chỉ là 2 chiếc HCV Olympic, giải đấu mà cả Federer lẫn Djokovic đều chưa từng thắng cuộc. Nhưng đó cũng là giải đấu bị ATP ghẻ lạnh và thậm chí chỉ tính nó như một giải... giao hữu.
Nếu Murray sinh ra ở một thời đại khác, hoặc trẻ hơn 10 tuổi, anh có thể vươn lên thành 1 huyền thoại tầm cỡ. Nhưng anh đã rơi vào một thế hệ điên rồ nhất từng có, một thế hệ sản sinh ra tới 3 trong 5 tay vợt vĩ đại nhất lịch sử, nếu không muốn nói đó là 3 người vĩ đại nhất. Và vì thế, anh đã phải chờ đợi đến tận khi cả 3 bị chấn thương hoặc sa sút cùng lúc mới có thể leo lên đỉnh bảng ATP ở tuổi xấp xỉ 30. Và cũng vì thế mà số Grand Slam của anh mãi mãi chỉ dừng lại ở con số 3, dưới rất nhiều những tay vợt khác có lẽ là kém tài hơn anh. 3 Grand Slam – thậm chí không bằng số lẻ của “Top 3”!
Trong thâm tâm Murray và cả mẹ của anh, có lẽ anh không muốn mình bị tụt xa đến vậy với 3 người còn lại trong nhóm “Big 4”. Nhưng sự thật, anh chưa từng thuộc về thế giới của 3 con quái vật đó. Thế giới ấy quá cao để anh với tới và quá chật chội để anh chen vào.
Năm 2008, Murray lọt vào chung kết Grand Slam đầu tiên ở US Open khi mới 21 tuổi (nên nhớ, Alexander Zverer, tay vợt 9x được đánh giá cao nhất hiện nay còn chưa lọt nổi vào bán kết GS ở tuổi này). Những tưởng một sự nghiệp đầy hứa hẹn mở ra trước mắt anh. Nhưng sau đó, phong độ ổn định của anh tại các giải đấu lớn bị lu mờ hoàn toàn trước những chiến công vang dội của “Top 3”.
“Big 4 “chưa từng tồn tại! Và vài năm sau, có lẽ tên tuổi Murray sẽ bị chìm vào trong số nhiều tay vợt xuất sắc khác của quá khứ đã qua. Phải chăng, anh khóc vì đã không thể vươn lên khỏi danh sách đáng buồn ấy?