1. Trở thành đội đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch Euro Cup, đội đầu tiên vô địch 3 giải đấu lớn Euro 2008, World Cup 2010, Euro 2012, đội tuyển Tây Ban Nha đã đi vào lịch sử bóng đá thế giới với tư cách một trong những đội bóng xuất sắc nhất.
Những thành tích vô tiền (có thể là khoáng hậu) đó của đội tuyển Tây Ban Nha chắc chắn sẽ trở thành huyền thoại, ngạc nhiên thay, lại mới chỉ xảy ra trong vòng 4 năm nay. Mới hay để xây một tượng đài, lịch sử đôi khi cũng không cần quá nhiều thời gian.
Từ năm 2008 trở về trước, Tây Ban Nha chưa bao giờ nằm trong nhóm ứng cử viên vô địch ở bất cứ một giải đấu lớn nào. Cứ trước mỗi lễ hội bóng đá, người ta nhắc đến Ý, Đức, thấp hơn một chút là Anh, Pháp ở châu Âu và Brazil, Argentina ở Nam Mỹ. Tây Ban Nha cũng là vua, nhưng là “vua đấu loại”. Khi vào vòng chung kết, đội tuyển xứ bò tót chỉ đóng vai trò một thứ gia vị, chủ yếu giúp cho bữa tiệc bóng đá thêm chút cay chua và cuối cùng là làm nền cho những đội khác đăng quang.
2. Tây Ban Nha từng có một hệ thống thuộc địa rộng lớn, với gần nửa tỷ người trên thế giới nói tiếng Tây Ban Nha. Số người nói tiếng Tây Ban Nha như tiếng mẹ đẻ rồi sẽ tăng lên với các hậu duệ không ngừng sinh sôi, nhưng dùng thứ tiếng phổ biến này để tung hô chức vô địch của đội tuyển Tây Ban Nha thì sự kiện đó chỉ mới xảy ra vài năm nay.
Trước đó, người ta thét to hai từ “vô địch” bằng tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha (tuyển Brazil). Cũng có lúc, người ta hô vang bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng oái oăm thay, những âm thanh kỳ diệu đó vang lên để ca ngợi các chức vô địch World Cup của Uruguay (1930, 1950) và Argentina (1978, 1986) - những quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.
Chỉ ở 3 giải lớn gần đây, người Tây Ban Nha mới có dịp dùng chính ngôn ngữ của mình để ca ngợi chiến công của Casillas và đồng đội.
3. Lục lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy đội tuyển Tây Ban Nha đã từng lên ngôi vô địch châu Âu vào năm 1964. Nhưng những chiếc huy chương vàng đó đã ở quá xa, đã bị phủ bụi bởi thời gian nên không còn lấp lánh trong mắt các hậu sinh ở thế kỷ 21. Thậm chí, có cảm giác ngôi vua gần nửa thế kỷ trước của Tây Ban Nha đã bị lịch sử vùi sâu đến mức muốn nhớ lại sự kiện này cần phải mất rất nhiều thời gian để khai quật.
Đội tuyển Tây Ban Nha trong mắt nhiều người, họa chăng còn thấp thoáng hình ảnh một đội tuyển từng làm chuyện động trời là quật ngã Đức 1-0 bằng bàn thắng của Maceda ở phút cuối cùng trong trận đấu cuối cùng của vòng đấu bảng tại Euro 1984 để loại siêu tiền đạo Rudi Voller và đồng đội ra khỏi bán kết, sau đó vượt qua Đan Mạch của danh thủ Laudrup bằng những quả đá luân lưu để tiến thẳng vào trận chung kết với đội chủ nhà Pháp của siêu sao Platini và... thua trận.
Đó cũng là lần duy nhất đội tuyển Tây Ban Nha tiến xa đến vậy ở một giải đấu lớn sau chức vô địch châu Âu 1964. Khi thế hệ Maceda, Sarabia Lopez, Urquiaga, Gomez, Santillana về vườn, Tây Ban Nha không tìm đâu ra một thế hệ có tinh thần chiến đấu quả cảm tương tự.
4. Tiền đạo Raul Gonzales được người Tây Ban Nha tôn vinh như một tượng đài, nhưng tượng đài cá nhân đó chưa bao giờ giúp Tây Ban Nha xây được một tượng đài tập thể, dù các tuyển thủ cùng thời với anh không thiếu tài năng.
Xét nhiều khía cạnh, Tây Ban Nha không hơn Đức, Anh về thể lực, không hơn Pháp, Bồ Đào Nha về kỹ thuật, tấn công không thể hơn Hà Lan, phòng ngự không thể hơn Ý. Về thể hình, đội tuyển Tây Ban Nha là đội tuyển nhỏ con nhất châu Âu. Nói tóm lại là vô vàn bất lợi.
Chỉ đến khi lối đá tiqui-taca ra đời, các tuyển thủ Tây Ban Nha mới thực sự trở thành “Độc Cô Cầu Bại”. Lối đá ma thuật đó cho phép Xavi và đồng đội tiêu hao thể lực ở mức tối thiểu trong khi phát huy những phẩm chất kỹ thuật đến mức tối đa.
Tiqui-taca biến ảo đến mức HLV Del Bosque không cần sử dụng một tiền đạo đích thực trong phần lớn thời gian thi đấu ở Euro 2012 vẫn có thể giành thắng lợi cuối cùng.
5. Tôi sẽ bàn về khía cạnh chuyên môn trong lối chơi tiqui-taca ở một bài viết khác; ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, tiqui-taca xuất hiện trong thế giới bóng đá chẳng khác nào một bí kíp võ công đặc dị xuất hiện trong giang hồ. Đặc biệt, tiqui-taca là thứ võ học được phát dương dưới ánh mặt trời, từng chiêu từng thức được các tuyển thủ Tây Ban Nha thi triển công khai, rạch ròi, minh bạch.
Thế nhưng, cho đến hôm nay vẫn chưa cao thủ võ lâm nào nghĩ ra được cách khắc chế thứ võ công này. Đã 3 mùa luận kiếm trôi qua, tiqui-taca vẫn bất bại. Hai năm nữa, World Cup 2014 sẽ diễn ra trên đất nước Brazil và câu hỏi quan trọng nhất đối với giới chuyên môn vẫn còn bỏ ngỏ: Đội tuyển nào sẽ hóa giải được các chiêu thức kỳ ảo của tiqui-taca?
Tất nhiên các nhà bình luận đã không tiếc công lục lọi quá khứ để tìm kiếm những dữ liệu nhằm chứng minh đội tuyển Tây Ban Nha sẽ không thể đăng quang ở World Cup sắp tới, chẳng hạn: Chưa một đội bóng châu Âu nào lên ngôi khi World Cup tổ chức ở châu Mỹ! Nhưng trước khi Tây Ban Nha chiến thắng ở Euro 2012, quá khứ chẳng phải đã hùng hồn khẳng định chưa đội tuyển nào bảo vệ được chức vô địch châu Âu đó sao?
Tây Ban Nha đã bước qua một lời nguyền, không có lý gì không thể bước qua lời nguyền thứ hai, trừ phi từ nay đến khi World Cup ở Brazil khai mạc, có một cao thủ võ lâm nào đó chui vào mật động ngồi diện bích hai năm trời để tham bác một loại võ học chuyên trị tiqui-taca và khi chui ra ngửa mặt lên trời hét to “Eureka!” (“Tôi tìm ra rồi!”) như nhà bác học Archimedes hơn 2.000 năm trước.
CHU ĐÌNH NGẠN