SEA Games 31 tổ chức từ ngày 12 tới 23-5. Trước khi SEA Games 31 diễn ra, ở môn thể hình, các VĐV đã được Liên đoàn tổ chức lấy mẫu thử kiểm tra qua đó phát hiện 8 trường hợp có dương tính với chất cấm. Sau khi kiểm tra lại, 6 trường hợp đã dính chất cấm còn 2 trường hợp là âm tính.
Khi phát hiện các trường hợp trên, đội thể hình Việt Nam đã loại các VĐV không đăng ký thi đấu SEA Game 31. Chia sẻ với SGGP ngày 14-9, Tổng thư ký Liên đoàn thể hình & cử tạ Việt Nam – ông Đỗ Đình Kháng cho biết “trước khi SEA Games 31 diễn ra, sau khi phát hiện các trường hợp có mẫu thử dính doping thì đội tuyển đã không đăng ký và loại những VĐV trên khỏi danh sách thi đấu”. Ông Kháng cũng khẳng định, các VĐV cử tạ của Việt Nam dự SEA Games 31 không có ai dính tới chất cấm trong thi đấu thể thao.
Trả lời về việc các kết quả mẫu thử đã lấy của VĐV thi đấu SEA Games 31 đã được thông báo cụ thể hay chưa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đồng thời là Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 – ông Trần Đức Phấn cho biết tại ngày 14-9 “về nguyên tắc, chỉ khi có thông báo chính thức của Cơ quan phòng chống doping thế giới – WADA thì các kết quả mới được công bố chính thức. Hiện tại, chúng tôi chưa có kết quả này nên không thể có bất cứ thông tin nào”.
Vào ngày 14-9, Hội đồng đánh giá mức độ vi phạm của VĐV ở môn thể hình đã làm việc nhằm đưa ra các thảo luận về các phương án tiếp theo sẽ thực hiện như thế nào với 6 trường hợp đã có mẫu thử dương tính với chất cấm. Công việc sẽ cần sự phối hợp giữa Tổng cục TDTT và các địa phương cùng Liên đoàn thể hình & cử tạ của địa phương có VĐV không may mắn dính vào chất cấm cũng như với Liên đoàn thể hình & cử tạ Việt Nam.
Một thành viên của Hội đồng chia sẻ, hiện tại chúng ta phải tuân thủ các quy định của WADA tuy nhiên luật mới cũng cho phép thêm điều khoản Liên đoàn thể thao quản lý của môn đó được quyền đưa án phạt của mình dành cho VĐV. “Tất nhiên, án phạt còn phải phụ thuộc ở 3 yếu tố. Một là xem VĐV đó là VĐV thể hình chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Nghĩa là nếu chuyên nghiệp thì phải đảm bảo là hiểu về luật và ý thức về chất cấm – doping còn là VĐV nghiệp dư chỉ thi đấu giải ở thời điểm nhất định sẽ có sự xem xét; thứ 2 là chất cấm mà VĐV vi phạm là chất gì. Nghĩa là chất cấm đó thuộc nhóm tác động tới chuyên môn thi đấu hay là có thể từ thực phẩm hoặc từ thuốc chữa trị. Thứ 3, Liên đoàn môn thi đấu sẽ có quyền đưa ra án phạt như thế nào... rồi mới có quyết định cụ thể về việc xử phạt”.
Bộ VH-TT-DL đã có Thông tư 17/2015/TT-BVHTTDL (ngày 20-12-2015) Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Theo đó, về việc xử lý vi phạm được các Liên đoàn, Hiệp hội thực hiện quy định: “Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận đánh giá mức độ vi phạm doping, cơ quan có thẩm quyền, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia ban hành Quyết định xử lý vi phạm bao gồm: Hình thức xử phạt, thời gian cấm tham gia hoạt động thể thao trên cơ sở đánh giá mức độ vi phạm và hình phạt bổ sung theo quy định của liên đoàn, hiệp hội.
Quyết định xử lý vi phạm của liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia được gửi đến VĐV, Tổng cục TDTT, Trung tâm Doping và Y học thể thao và các cơ quan liên quan theo quy định chuyên môn về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.
Liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia có trách nhiệm theo dõi và báo cáo định kỳ 6 tháng một lần về hoạt động tập luyện, thi đấu và công tác chuyên môn khác của VĐV trong thời gian bị kỷ luật”.