Trọng điểm cũng phải… từ từ

Giới điền kinh nói vui với nhau rằng “SEA Games 29 chẳng qua là dịp để các VĐV tập huấn chuẩn bị… giải Vô địch quốc gia năm 2017”. Nghe có vẻ hợp lý nhưng kỳ thực, điều đó giống như một lời than trách của giới làm nghề... 
Bộ môn Điền kinh cần điều chỉnh hệ thống thi đấu giải trong nước phù hợp để chuẩn bị tốt hơn cho đấu trường châu lục Ảnh: HUY THẮNG
Bộ môn Điền kinh cần điều chỉnh hệ thống thi đấu giải trong nước phù hợp để chuẩn bị tốt hơn cho đấu trường châu lục Ảnh: HUY THẮNG
Ở những năm lẻ, nếu giải vô địch quốc gia diễn ra trước thời điểm khởi tranh SEA Games chừng 1-2 tháng, sẽ rất có lợi cho điền kinh Việt Nam chuẩn bị tranh tài kỹ càng. Giới chuyên môn cũng thoải mái chọn lực lượng, đánh giá và cân nhắc trước khi chốt lại đội hình tốt nhất dự đại hội khu vực. Bây giờ, các quốc gia đăng cai SEA Games thường chọn thời điểm giữa năm hoặc tháng 7-8 để tổ chức thi đấu, không bó hẹp trong cái khung cuối năm nữa. Sự điều chỉnh này không ngoài mục đích giúp VĐV lấy đà từ SEA Games cho những cuộc tranh tài lớn hơn sau đó.
Vấn đề là điền kinh Việt Nam có linh hoạt thay đổi theo sự vận động của thể thao khu vực, hay vẫn cứ giữ lấy thói quen cũ của mình - tức là chọn giải pháp an toàn. Thời điểm tổ chức SEA Games hay ASIAD luôn có trước 1-2 năm, nên nếu thực sự muốn điều chỉnh hệ thống giải thi đấu trong nước cho phù hợp với kế hoạch chuẩn bị nhân sự cho những đấu trường lớn, giới chức quản lý điền kinh hoàn toàn làm được.
Điền kinh vốn là môn trọng điểm, thời gian gần đây lại thể hiện được thành tích rất lớn. Giới làm nghề cho rằng khi đã vượt ra ngoài khuôn khổ của sân chơi Đông Nam Á, điền kinh Việt Nam cần một cú hích, một động lực mới để hướng đến những “sân khấu” mang tầm vóc lớn hơn. Đáng tiếc, môn thể thao “nữ hoàng” lại không biết cách tận dụng lợi thế của mình để kêu gọi đầu tư, cũng như thiếu chiến lược khuếch trương uy danh. Một phần vì năng lực của người quản lý điền kinh có hạn, tư duy chưa từng thể hiện được tính đột phá. Phần nữa do mối quan hệ giữa Bộ môn Điền kinh với Liên đoàn Điền kinh quốc gia không suôn sẻ, giữa bộ môn với điền kinh các nơi chưa gắn kết… nên dẫn đến tình trạng thả nổi hoạt động, đến mức hầu hết các địa phương phải chủ động đưa VĐV của mình đi tập huấn nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn, thay vì trông chờ vào một kế hoạch “trong mơ” từ Bộ môn Điền kinh thuộc Tổng cục TDTT.
Điền kinh Hà Nội, Thanh Hóa, TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình, Quân đội… là những điển hình cho thấy sự chủ động về kế hoạch xây dựng lực lượng luôn đem lại kết quả khả quan. Chuyện này thêm một lần nữa khẳng định vai trò của Bộ môn Điền kinh khá mờ nhạt trong guồng quay phát triển chung.
Chính vì vậy, điền kinh mặc dù được tiếng thuộc nhóm môn trọng điểm số 1 vẫn cứ phải… từ từ chờ cơ chế, chờ được duyệt kế hoạch, kinh phí. Và cũng chính vì vậy, những tài năng như Nguyễn Thị Huyền, Lê Tú Chinh, Quách Thị Lan, Lê Trọng Hinh, Bùi Văn Đông, Dương Văn Thái… nếu không được địa phương chăm chút kỹ lưỡng, có lẽ chẳng thể nào vươn mình giúp điền kinh Việt Nam rạng danh trên đấu trường quốc tế được như thế.

Tin cùng chuyên mục