Xét cho cùng, việc tạo điều kiện cho các nhân tố trẻ ra sân tại V-League là vấn đề từng được bàn trong quá khứ. Thậm chí, trước mùa giải 2017 có người đã tính toán V-League năm nay như một cơ hội để nâng tầm sân chơi lớn nhất nước.
Phần nhiều khán giả đang hí hửng nhờ năm nay cả đội tuyển U20 lẫn U22 Việt Nam chuẩn bị nhập cuộc tại đấu trường thế giới, châu lục và khu vực. Cụ thể là thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn tới đây đá U20 World Cup, HLV Hữu Thắng và các học trò chinh chiến tại vòng loại giải U23 châu Á và SEA Games 29. Ngay với đội tuyển quốc gia tranh vòng loại Asian Cup 2019 cũng chọn lứa U22 làm nòng cốt. Chẳng gì khác, mục tiêu trẻ hóa lực lượng đang được hướng tới. Nguyên nhân là sau những thất bại ở khu vực, VFF không muốn bị Thái Lan, Indonesia bỏ lại nên xem nhu cầu trẻ hóa là cần kíp. Song, cái khó là sự phối hợp giữa HLV Hoàng Anh Tuấn (đội tuyển U20) và Nguyễn Hữu Thắng (đội tuyển U22) với các CLB như thế nào chứ đâu phải chỉ nói là xong.
Có người bảo, HA.GL với dàn cầu thủ xuất thân từ khóa 1 và 2 Học viện HA.GL - Arsenal JMG đủ kinh nghiệm, bản lĩnh để chơi V-League ngon lành. Tương tự, Hà Nội từng trình làng lứa Duy Mạnh, Hùng Dũng, Đức Huy, Quang Hải, Văn Hậu cùng Lâm Ti Phông, Trùm Tỉnh (Khánh Hòa), Tiến Dũng, Tiến Dụng (Viettel), Hồ Tuấn Tài, Văn Khánh (SLNA)… đủ sức thể hiện mình ở V-League, nhưng thực tế không nhiều đội bóng mạnh dạn như thế.
Thật ra vấn đề cải tổ từng được tính đến hồi năm 2011. Ngày đó, trước khi vào mùa giải những người làm bóng đá đưa ra chuẩn là mỗi đội cần có ít nhất 5 cầu thủ U21 khiến cầu thủ trẻ thời đấy giá tăng vùn vụt. Nhiều CLB, sau khi biết có quy chế đó đã chữa cháy bằng cách đi thuê cầu thủ trẻ của các lò đào tạo khác.
Quy định một đội bóng có 5 cầu thủ tuổi U21 là nhằm mục đích tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ phát triển và để các CLB chăm sóc tuyến sau, nhưng kiểu gượng ép thời đó cũng khiến bao CLB đối phó mệt nhoài. Chuyện thuê mướn, hoặc hợp đồng tạm rồi trả công đơn vị cho mượn cầu thủ trẻ giờ là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nó khác với nhiều biện pháp tích cực, chú tâm đào tạo trẻ thay vì chỉ bỏ tiền ra nhiều rồi giở trò bắt người từ nơi khác.
Mọi thứ cần thời gian, lộ trình nhưng VFF khi đó thấy thiếu gì ra quy định nấy. Tương tự là việc bắt mỗi đội đăng ký 5 cầu thủ trẻ nhưng cơ hội ra sân lại chẳng nhiều. Quy định cần làm từ gốc thay vì đụng đâu, hay bị la chỗ nào lại đẻ ra quy định mới chỗ đó.
Bóng đá trẻ Việt Nam thường gặp nghịch lý ở chỗ khi thiếu tài năng thì ép làm sao cho đủ chỉ tiêu/đội bóng, nhưng tới lúc có nhân tài thì lại nhốt họ trên băng ghế dự bị dài dài.