Thầy nội hết bài

Thất bại của U.22 Việt Nam trước Indonesia ở Giải U.22 Đông Nam Á là một bước lùi rất lớn nếu chúng ta so sánh với màn trình diễn của đội U.23 tròn 1 năm trước tại Giải châu Á. 

Nhưng thực tế, đây là một kết cục đã được dự báo kể từ khi đội U.19 Việt Nam bị loại ngay vòng bảng Giải U.19 Đông Nam Á hồi tháng 7 năm ngoái. Phần lớn các cầu thủ U.22 hiện nay cũng là trụ cột của U.19 đã từng hòa Thái Lan và thua Indonesia 0-1 tại giải đó. Như vậy, việc không thể vào đến trận chung kết U.22 Đông Nam Á là hợp lý, cho thấy sau hơn nửa năm, các cầu thủ trẻ không có sự tiến bộ nào đáng kể.

Đón nhận thực tế này, nhiều người lập tức hy vọng thầy Park và các cộng sự người Hàn Quốc của mình sẽ tạo ra sự thay đổi trong thời gian chính thức dẫn dắt U.22 sắp đến ở vòng loại U.23 châu Á cũng như SEA Games. Tất nhiên là ai cũng muốn như vậy, nhưng đây lại là vấn đề khá nghiêm trọng của bóng đá Việt Nam, bởi nó phản ánh tình trạng không còn tin tưởng vào các HLV Việt Nam, tạo ra một khoảng cách rất lớn trong quy trình huấn luyện các đội tuyển. Thậm chí, nó còn dẫn đến một tình trạng không hay ho cho lắm, đó là việc chọn lựa bừa bãi các HLV ở những đội tuyển U, ai làm cũng được, phần còn lại… “cứ để thầy Park lo”. 

Như trường hợp của HLV Nguyễn Quốc Tuấn vốn là lựa chọn số 3 của VFF cho vị trí thuyền trưởng của U.22. Cựu HLV của HA.GL không có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là với bóng đá trẻ, chưa nói đến vai vế trong giới các HLV trẻ hiện nay ở Việt Nam. Dù không trực tiếp “chê” ông Tuấn, nhưng chuyên gia Lê Thụy Hải cho rằng, đội U.22 với tư cách là tuyến kế thừa sát sườn nhất của đội tuyển quốc gia, cần có một ông thầy giỏi hơn.

Xét về lý thuyết, hệ thống đội tuyển cần có sự liền mạch về chất lượng cầu thủ cũng như lối chơi, cho phép các cầu thủ giỏi ở đội U.19 hoàn toàn được “đặc cách” lên đội 1, như trường hợp của Đoàn Văn Hậu chẳng hạn. Điều này dẫn đến yêu cầu là chất lượng của HLV ở các đội tuyển cũng phải tương xứng. 
Tuy nhiên, hiện HLV trưởng tuyển quốc gia còn kiêm nhiệm U.23 thì VFF khó đủ nguồn tài chính để thuê nhiều chuyên gia ngoại cùng lúc. Nói gì thì nói, cũng cần có những HLV nội tài năng làm nghĩa vụ quốc gia, chứ không phải cái gì trông chờ may mắn tìm được “thầy ngoại” giỏi. Nhưng công bằng mà nói, HLV nội giỏi của Việt Nam hiện nay trong tình trạng “đốt đuốc đi tìm”.
4/14 đội V-League hiện do thầy ngoại chịu trách nhiệm chính. Bóng đá Việt Nam không thiếu cựu cầu thủ chuyển sang làm HLV, nhưng vấn đề lớn nhất là trình độ của họ chủ yếu đến từ kinh nghiệm. Hiện chỉ mới có 5 HLV Việt Nam nhận được bằng Pro AFC - điều kiện để họ được phép làm việc ở các giải đấu cấp châu lục. Thực tế, đây cũng chỉ là dạng chứng chỉ nghề nghiệp thông qua các khóa học chứ không phải là những trải nghiệm thực tế trong môi trường đỉnh cao như trường hợp HLV đội U.19 quốc gia Hoàng Anh Tuấn tự bỏ tiền túi sang du học ở châu Âu. 

Nói cách khác, “bài vở” huấn luyện của các “thầy nội” rất hạn chế, khó đưa ra được điều gì có tính đột phá cho các đội bóng Việt Nam. Ngay tại V-League, các CLB đá na ná nhau về chiến thuật nên Hà Nội FC duy trì sự thống trị nhờ được đầu tư mạnh, sở hữu dàn cầu thủ chất lượng cao, là vì thế. Hoặc như V-League 2019 vừa khai mạc, hoàn toàn không giới thiệu một HLV nội nào mới, chưa kể Lê Huỳnh Đức quay lại với SHB Đà Nẵng sau 1 năm nghỉ đi học. Thế nên, bóng đá Việt Nam giờ chỉ hy vọng HLV Park Hang-seo đừng rời đi quá sớm.

Tin cùng chuyên mục