Bắn súng Đắk Lắk lập kỳ tích tại giải VĐQG 2017

Ít ai chú ý tới đội bắn súng non trẻ Đắk Lắk tại giải VĐQG 2017 thế nhưng các tay súng còn trẻ tuổi đời của địa phương này đã tạo bất ngờ.

Thi đấu và đoạt HCV giải VĐQG luôn là điều nhiều xạ thủ mong đợi. Ảnh: NGỌC HẢI
Thi đấu và đoạt HCV giải VĐQG luôn là điều nhiều xạ thủ mong đợi. Ảnh: NGỌC HẢI

Sau 5 năm có HCV đầu tay

Tại giải bắn súng VĐQG 2017, xạ thủ Phạm Thị Thanh Hiền của Đắk Lắk tạo bất ngờ qua việc vượt nhiều VĐV đàn chị như Đặng Hồng Hà, Cù Thị Thanh Tú (Hà Nội), Nguyễn Thị Lệ Quyên (Hải Phòng), Nguyễn Thị Thu Hằng (Quân đội) đoạt HCV bài bắn 10m súng trường hơi di động tiêu chuẩn nữ.

“Thành tích quá bất ngờ. Ngay khi kết thúc bài bắn, tất cả chúng tôi vỡ òa sung sướng vì đây là tấm HCV lịch sử của đội bắn súng Đắk Lắk. Lần đầu, bắn súng Đắk Lắk giành được HCV tại giải VĐQG như vậy”, HLV trưởng Nguyễn Tiến Trung của đơn vị này chia sẻ.

Kết thúc giải bắn súng VĐQG 2017 (ngày 29-10), xếp nhất là Quân đội (21 HCV, 6 HCB, 10 HCĐ). Hạng nhì là Hà Nội (9 HCV, 23 HCB, 14 HCĐ), TPHCM xếp hạng 3 (6 HCV, 6 HCB, 5 HCĐ).

Điều thú vị hơn, Phạm Thị Thanh Hiền năm nay mới 17 tuổi (sinh năm 2000) nên dấu ấn của cô đối với đội bắn súng quê hương còn được nhắc nhiều. Trao đổi sau giải, xạ thủ kỳ cựu Đặng Hồng Hà cho biết một nhân tố trẻ như Thanh Hiền đoạt được HCV cũng để thấy tính cạnh tranh tạo được hấp dẫn và VĐV trẻ phát triển là điều đáng mừng.

Từ chia sẻ của ông Trung, dễ hiểu vì sao tất cả thành viên đội bắn súng Đắk Lắk mừng khôn tả ở kết quả HCV trên. Đội bắn súng Đắk Lắk mới thành lập từ năm 2012. Thời gian 5 năm hình thành và phát triển vẫn là quá “trẻ” với một đội thể thao môn bắn súng. “Chúng tôi hiện chỉ có 5 VĐV ở tuyến 1. Con người không nhiều và cơ sở vật chất khó khăn nên vẫn phải đi từng bước. Chức vô địch ở giải VĐQG 2017 của cháu Hiền là động lực cho tất cả thấy rằng, nếu quyết tâm và có thêm một chút may mắn thì thành công, thành quả sẽ có”, HLV Nguyễn Tiến Trung bùi ngùi.

Quen chuyện tập “chay” vì thiếu súng, đạn

Hẳn nhiên, bắn súng Đắk Lắk khó thể so bì được với các đơn vị mạnh truyền thống ở trong nước như Quân đội, Hà Nội, Hải Dương, TPHCM...

Nhưng, khi đã giành được HCV tại VĐQG, người làm bắn súng Đắk Lắk thêm phần tự tin. “Là một địa phương mới phát triển, chúng tôi hiện chưa có nơi tập luyện chuyên biệt riêng vì thế, hy vọng sớm nhất là năm 2018, Đắk Lắk có một chỗ tập sơ bộ ban đầu để các em VĐV rèn luyện được ở địa phương”, ông Trung nói thêm.

Hiện tại, chuyện VĐV tập “chay” trước khi được sờ tới súng, thử bắn viên đạn là quen thuộc với VĐV bắn súng Đắk Lắk và nhiều địa phương trong cả nước. VĐV Phạm Thị Thanh Hiền là sản phẩm đào tạo chính gốc của Đắk Lắk đồng thời là con người quê hương được huấn luyện từ năng khiếu nên chiến thắng của cô càng thêm sự tự hào.

Sau khi tuyển chọn được VĐV năng khiếu, ông Trung và các HLV của Đắk Lắk phải dành một quãng thời gian đủ dài để tập cho xạ thủ làm quen “chay” với động tác giơ, ngắm bắn. Sau giai đoạn trên, VĐV được gởi thẳng tới Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng để tập nhờ tại đây (do Đắk Lắk không có trường bắn). Cứ thế, quy trình được diễn ra đều đặn suốt 5 năm qua và thầy trò ông Nguyễn Tiến Trung đã đạt được thành quả ban đầu tại giải VĐQG 2017 vừa qua.  

Tin cùng chuyên mục