Y học trong bóng đá

Thể thao Việt Nam nói chung, bóng đá nói riêng lâu nay thường xem chuyện dinh dưỡng và y học một cách qua loa, đại khái. Tuy nhiên, khi nhìn vào đội tuyển U.20 Việt Nam đang tập huấn chuẩn bị cho U.20 World Cup 2017 thì nảy ra suy nghĩ khác.

Thể thao Việt Nam nói chung, bóng đá nói riêng lâu nay thường xem chuyện dinh dưỡng và y học một cách qua loa, đại khái. Tuy nhiên, khi nhìn vào đội tuyển U.20 Việt Nam đang tập huấn chuẩn bị cho U.20 World Cup 2017 thì nảy ra suy nghĩ khác.

Tiền vệ Tuấn Anh từng ngậm ngùi làm khán giả vì bác sĩ nhận định sai về chấn thương. Ảnh: T.L.

Nếu trong quá khứ, trước những giải đấu như SEA Games hay Asiad các đội tuyển bóng đá thường được giới quan chức lên gân rất mạnh, tương tự như: “Chúng tôi lường trước chuyện ăn uống của cầu thủ, nên đã dự trữ… mì gói. Vì vậy sẽ không lo các em bị đói, do không hợp khẩu vị khi thi đấu tại nước chủ nhà”. Nghe qua tưởng đùa mà là sự thật. Thế nhưng, với U.20 Việt Nam lúc này thì đang có nhiều thay đổi. Ví như các học trò của huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn đang được quan tâm ở mức cao, không chỉ ở cái ăn mà cả vấn đề y học do các chuyên gia trong và ngoài nước đảm nhiệm

Chính xác là tấm vé đi dự ngày hội bóng đá trẻ thế giới đã mở ra chương mới cho bóng đá Việt Nam. Cụ thể thì VFF đã dành sự đầu tư tốt nhất, với đội ngũ phục vụ hỗ trợ cho HLV trưởng khá hùng hậu. Từ giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede, chuyên gia thể lực Martin Forkel, bác sĩ phục hồi sau chấn thương Pablo Lester Sawick, bác sĩ Trương Công Dũng, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy cho đến dàn trợ lý chất lượng cao gồm Đinh Hồng Vinh, Trần Minh Quang và Trần Minh Chiến…

Lịch sử đã chỉ ra các đội tuyển của ta từng nếm nhiều trái đắng do coi nhẹ công tác y khoa. Gần nhất là trường hợp Hoàng Thịnh và Tuấn Anh - những nhân tố chủ lực ở hàng tiền vệ đội tuyển Việt Nam nhưng buộc phải vắng mặt vì nhận định sai của bác sĩ, và nó đã để lại quá nhiều hệ lụy tại AFF Cup năm ngoái.

Xa hơn, HLV Hoàng Văn Phúc từng khốn khổ khi phải “chữa cháy” ngay trước thềm SEA Games 27. Suốt quá trình tập trung, U.23 Việt Nam chờ Hoàng Thịnh bình phục nhưng cuối cùng ông Phúc phải để cầu thủ này ở nhà. Đấy là chưa nói trung vệ Thanh Hào và tiền vệ Huy Hùng cũng lỡ hẹn do quá tin tưởng vào kết luận của các bác sĩ. Thất bại trên đất Myanmar năm 2013, một phần do U.23 Việt Nam thiếu vắng những nhân tố quan trọng mà nguyên nhân không nhỏ vì sự hạn chế chuyên môn của các chuyên gia y tế.

Nhân nói chuyện về dinh dưỡng, y học cho cầu thủ, một chuyên gia chia sẻ: “Không riêng gì các nước phát triển ở châu Âu mà tại châu Á, nhiều đội bóng trẻ vẫn được chú trọng. Chẳng như ở ta chủ yếu tập trung cải thiện bữa ăn còn phần nhận định, chữa trị và hồi phục sau chấn thương thường xem nhẹ”.

Bóng đá Việt Nam tiếng là chuyên nghiệp từ lâu nhưng tới giờ mới quan tâm vấn đề y học, sau khi dẹp suy nghĩ ăn no (quan trọng là ăn đủ chất) đang bị cho là muộn. Nhưng, dẫu sao thì với U.20 Việt Nam đang sở hữu đội ngũ phục vụ, hỗ trợ chất lượng như vừa nói cũng đáng mừng. Mong là những vấn đề này sẽ không dừng lại sau U.20 World Cup 2017 mà còn kéo dài và nhiều đội tuyển khác nhau của ta cùng hưởng lợi.

ĐỨC DŨNG

Tin cùng chuyên mục