Hiện tại, không chỉ có VFF mà đa số các liên đoàn thể thao đều đứng trước một vấn đề nan giải: Có thể tồn tại một cách chủ động và độc lập tương đối so với vai trò quản lý của nhà nước hay không?
Mắc mứu ở chỗ, sự ra đời của các liên đoàn thể thao vốn để giải quyết những vấn đề mà cơ quan quản lý không thể làm được, nhất là khâu phát triển phong trào và tài chính. Thông thường, những môn thành tích cao, ít phổ biến thì buộc phải do nhà nước “bao cấp” mới có thể đầu tư tới nơi tới chốn (nhất là các môn thể thao cá nhân), phần còn lại, theo xu hướng chung, nên để cho xã hội tự lo thông qua hoạt động của các liên đoàn. Các môn như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, cầu lông…đã từng làm tốt việc này. Tuy nhiên, tình hình ở các liên đoàn nói trên cho thấy cái “bóng” của tổng cục đang ngày mỗi lớn, tỷ lệ thuận với thành tích và tiến trình xã hội hóa ngày một thụt lùi.
Cụ thể nhất là tại VFF và câu chuyện về chọn lựa HLV trưởng mà quan điểm của Tổng cục TDTT đang đóng vai trò khá quan trọng.
Chúng tôi muốn lấy một ví dụ: đội tuyển số 1 thế giới là Tây Ban Nha trong một năm vẫn phải đá ít nhất 4-5 trận vô thưởng vô phạt về chuyên môn nhưng lại có lợi cho hoạt động tài trợ, tài chính. HLV Del Bosque cũng không vì thế mà phản ứng bởi trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp, hoạt động này là một phần tất yếu. Còn ít hay nhiều các trận đấu ấy thì tùy vào năng lực và cái thế của liên đoàn.
Quay lại với bóng đá Việt Nam, dù là tương đối nhưng rõ ràng, tiền lương trả cho HLV trưởng cũng như chi phí tập luyện của đội tuyển vẫn đến chính từ nguồn của VFF. Để có tiền, thì mỗi năm đội tuyển quốc gia phải đá bao nhiêu trận nhằm “trả quyền lợi” cho nhà tài trợ. Tiền từ các nhà tài trợ có thể đem đến cho đội tuyển các trận giao hữu quốc tế, tập huấn nước ngoài mà ngân sách khó lòng kham nổi. Theo chúng tôi được biết, đối tác vận động tài trợ cho VFF là công ty quảng cáo Dentsu sẵn sàng chi tiền cho VFF thuê một HLV ngoại “xịn”, một điều mà chính ngân sách của VFF cũng không thể đáp ứng. Vì lẽ đó, ít nhiều thì tác động của đơn vị bảo trợ tài chính cũng phải có. Thế nên, nếu Tổng cục TDTT cứ khăng khăng giữ quan điểm của mình thì rất khó để VFF thực hiện tốt vai trò “xã hội hóa” của mình.
Nói cách khác, nếu đã chấp nhận sự ra đời và vai trò của các liên đoàn thể thao thì tính định hướng từ cơ quan quản lý cũng nên giảm dần để phù hợp với các diễn biến của hoàn cảnh bởi ít nhiều, các liên đoàn phải uyển chuyển, lệ thuộc vào các yếu tố xã hội
Đ. Linh