Cả 2 ông Trưởng và phó ban trọng tài đều lên tiếng bất bình về việc họ bị đình chỉ làm nhiệm vụ. Tất nhiên, chuyện bức xúc là có thể hiểu được nhưng rõ ràng, trong phản ứng của 2 ông này, đều có những cái lý của mình và điều này, càng làm rõ thêm cung cách điều hành thật sự hỗn loạn của VFF…
Từ vô lý...
Theo lý thuyết, dù trực thuộc tổ chức nào đi nữa thì trọng tài vẫn được xem là một “thế giới riêng”. Ở đây, ý muốn nói về khía cạnh chuyên môn của công việc này và ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng thế, đã là “trọng tài”, thì luôn phải độc lập ở mức độ tương đối cao nhất.
Vậy nên, những người đứng đầu giới trọng tài thông thường vẫn được chính giới này bầu chọn (hoặc tiến cử). Đấy là lý do mà việc ông Dương Vũ Lâm làm Trưởng ban vẫn không được giới trọng tài phục 100% bởi ông Lâm không phải là trọng tài. Ai cũng có thể làm trọng tài được nhưng với điều kiện phải trải qua đủ các khâu từ học đến thi, đến kiểm tra và sự trải nghiệm. Nói như vậy để thấy, không thể “đùng một cái” thì làm trọng tài và cũng không thể chỉ sau một đêm, lại làm trưởng ban trọng tài.
Nếu hiểu theo nghĩa đó, thì chuyện bổ nhiệm ai làm lãnh đạo trọng tài hoặc ngưng công việc của họ rất cần có tiếng nói đầu tiên từ giới trọng tài trước. Sự tín nhiệm của giới trọng tài mới là yếu tố quan trọng nhất.
Đấy là lý do, ông phó ban Đoàn Phú Tấn cảm thấy mình bị xúc phạm khi “đùng một cái” bị đình chỉ chức vụ. Cần lưu ý một chi tiết: ông Đoàn Phú Tấn làm phó ban dưới thời VPF còn quản lý Ban trọng tài, theo sự tiến cử từ bầu Kiên. Ông Tấn không phải là người của VFF từ lúc khởi đầu và bây giờ, dù Ban trọng tài chuyển về cho VFF quản lý thì bản chất vấn đề cũng không thay đổi. Vì lẽ đó, chuyện đình chỉ công việc của ông mà chưa thông qua ý kiến của giới trọng tài rõ ràng, là việc không hợp lý. Đây cũng là nguyên nhân mà ông Dương Vũ Lâm tuyên bố sẽ không quay lại ghế Trưởng ban nữa. Bản thân ông Lâm, như đã biết, cũng được mời làm chứ không xin.
... đến những điều bất thường
Theo như ông Tấn giải thích, khi đã được tín nhiệm thì việc các trưởng, phó ban trọng tài được quyền quyết định những sự việc trong quyền hạn của mình mà không phải báo cáo cho VFF là chuyện bình thường. Hiểu theo ý ông Tấn thì dù sao đi nữa, trọng tài vẫn là một “thế giới riêng”, có cách giải quyết của mình và sau khi có kết luận rồi mới báo cáo đến những nơi có liên quan. Theo ông Tấn, tại sao công ty VPF có quyền đề nghị không sử dụng một vài trọng tài mà chẳng cần báo lý do thì được mà Ban trọng tài lại không thể tự xử lý các thành viên của mình nếu chính họ phát hiện có vấn đề. Hóa ra, lãnh đạo ban trọng tài chỉ là một kiểu “bù nhìn”, đơn thuần chỉ làm việc phân công công việc chứ không có quyền hành gì ngay trong giới của mình.
Những bức xúc ấy, như đã nói, có những cái lý riêng của ông Tấn, ông Lâm. Mặt khác, dư luận hoặc VFF cũng có cái lý riêng của mình bởi nếu để Ban trọng tài “tự xử” thì không lẽ, các thiệt hại của những CLB do các quyết định hoặc sự tiêu cực của các trọng tài là không thể khắc phục được sao? Xâu chuỗi 2 lý lẽ ấy, lại thấy rằng trọng tài vẫn là vấn đề nhạy cảm, là điểm đen của bóng đá Việt Nam xuất phát từ việc quản lý chứ chưa hẳn là từ năng lực hay chất lượng của các “Vua sân cỏ” nội địa.
Hồ Việt