Xuất ngoại, vui hay lo?

Ngay sau Asian Cup 2019, các tuyển thủ Việt Nam tiếp tục là tâm điểm của dư luận với các chuyến “xuất ngoại” sang thi đấu ở Thái Lan, Hàn Quốc. Khác các lần trước, những chuyển nhượng lần này của cầu thủ Việt được đón nhận một cách dè dặt hơn. 

Không cần phải thống kê lại, nhưng có thể chắc chắn một điều: Chưa có cầu thủ Việt Nam nào thi đấu thành công khi xuất ngoại. Chính vì thế, thời hạn thi đấu ở nước ngoài cũng chỉ nhiều nhất là 2 mùa giải rồi kết thúc trong lặng lẽ.

Vậy chúng ta có thể kỳ vọng gì ở 3 cầu thủ mới nhất ra nước ngoài lần này? Đúng bản chất và cũng có cơ hội thành công cao nhất vẫn là hợp đồng thi đấu cho Muangthong United 3 mùa của thủ thành Đặng Văn Lâm tại giải Ngoại hạng Thái Lan. Đây là thương vụ chuyển nhượng đúng nghĩa đầu tiên trong lịch sử của bóng đá Việt Nam.

Các trường hợp của Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Việt Thắng, Lê Công Vinh hay Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng gần đây đều liên quan đến yếu tố thương mại ngoài bóng đá, thường được thực hiện theo kiểu “cho mượn” (một hình thức “dùng thử”).

Xuất ngoại, vui hay lo? ảnh 1 Quang Hải và Công Phượng là tâm điểm theo đuổi của các đội bóng ở châu Á. Ảnh: ANH KHOA
Lý do quan trọng nhất để Đặng Văn Lâm được mua bán thẳng, đó là vị trí mà anh thi đấu. Thông thường, trình độ các thủ môn không có khoảng cách về đẳng cấp, thể hình như các vị trí khác.

Hơn nữa, Đặng Văn Lâm từng thi đấu chuyên nghiệp ở Nga, trước khi thể hiện tài năng ở AFF Cup và đặc biệt là Asian Cup. Xét về chuyên môn, chính thủ thành mang 2 dòng máu Nga - Việt này có đẳng cấp cao nhất trong đội tuyển Việt Nam hiện nay.

Cơ hội anh giành suất bắt chính và tỏa sáng ở Thái Lan là rất lớn. Ngược lại, 2 hợp đồng của Xuân Trường sang Buriram (Thái Lan) và Công Phượng sang Incheon United (Hàn Quốc) đều ở dạng cho mượn 1 năm và mang theo cảm giác lo nhiều hơn vui. 

Năm 2016, Công Phượng và đồng đội Tuấn Anh đã thất bại khi đá bóng ở J-League 2 (Nhật Bản). Trở về nước, Phượng “chìm” suốt năm 2017 trong màu áo HA.GL. Đây chính là lý do mà trong kỳ tích á quân U.23 châu Á, không ai nhắc đến Công Phượng. Đến mùa 2018, tiền đạo này mới lấy lại phong độ ở V-League và qua đó, trở thành trụ cột ở AFF Cup 2018 cũng như Asian Cup 2019.

Tương tự Công Phượng, trở về sau 2 năm chủ yếu đá dự bị tại Hàn Quốc, Xuân Trường có một năm 2018 không được như kỳ vọng. Anh chơi bình thường tại V-League và mất suất đá chính ở đội tuyển quốc gia. Một cầu thủ từng xuất ngoại khác là Tuấn Anh thì chấn thương triền miên. Như vậy, việc ra nước ngoài thi đấu chưa đem lại lợi ích gì cả. Ngược lại, sau khi trở về, họ còn phải mất thêm thời gian để hòa nhập V-League. 

Ở góc độ khác, các bản hợp đồng cho mượn sẽ khiến cho những CLB nước ngoài không quyết liệt khi sử dụng cầu thủ so với việc họ phải bỏ tiền để chiêu mộ. 

Ví dụ như trường hợp của Xuân Trường sang CLB Buriram khi mà đội này đã có sẵn 4 ngoại binh, bao gồm 2 cầu thủ đến từ Philippines. Theo quy định của Thai-League, mỗi trận đấu họ được sử dụng tối đa 4 cầu thủ ngoại nhưng trong đó bắt buộc phải có 1 cầu thủ châu Á, 1 cầu thủ Đông Nam Á. Như vậy, khả năng đá chính của Xuân Trường cũng khó khăn hơn vì Buriram có thể dùng cùng lúc 2 cầu thủ Philippines.

Trong khi đó, Công Phượng khi sang Hàn Quốc sẽ là cầu thủ thuộc châu Á duy nhất trong số 5 ngoại binh của CLB Incheon United. Theo quy định, mỗi trận đấu ở K-League 1 sẽ được dùng đến 4 ngoại binh thi đấu, bao gồm 1 cầu thủ châu Á. Tuy nhiên, căn cứ vào những gì mà Xuân Trường đã từng gặp phải khi còn đá cho Incheon United hồi năm 2016 (chỉ đá được 4 trận) thì cơ hội thành công của Công Phượng không cao.

Tin cùng chuyên mục