Người hâm mộ đổ xô, vây lấy Ruud van Nistelrooy và Robert Pires xin chữ ký, chụp hình lưu niệm... khi hai cựu ngôi sao của bóng đá Hà Lan và Pháp đến TPHCM làm đại sứ thương hiệu cho một hãng bia và chiếc Cúp UEFA Champions League.
Nếu Nistelrooy và Pires đến Việt Nam khi đang khoác áo thi đấu của CLB Man.United, của Arsenal thì đã khác, sẽ chẳng còn chỗ cho các fan hâm mộ chen chân dù sự kiện được đưa đến tổ chức ở bất kỳ SVĐ nào rộng nhất. Bầu không khí lúc đó cũng cuồng nhiệt, phấn khích và chân thành chứ chẳng phải nhàn nhạt và khiên cưỡng như lúc này, khi cả 2 cựu ngôi sao ấy đã giã từ sân cỏ nhiều năm rồi.
Cũng phải thừa nhận, dù giờ đây khi cả Nistelrooy lẫn Pires đều đổi khác quá nhiều về diện mạo, về vị thế và mất đi dáng vẻ linh hoạt của một cầu thủ bóng đá nhà nghề, tình yêu của giới mộ điệu cũng theo đó giảm sút, nhưng một chút danh tiếng xưa vẫn đang giúp họ kiếm những bản hợp đồng đại diện quảng cáo cho một thương hiệu, nhãn hàng nào đó.
Lâu nay, các nhà tổ chức sự kiện ở Việt Nam vẫn thường dùng những “món hàng hết đát” để kinh doanh vì không quá tốn kém, tức là mời các ngôi sao bóng đá đã nghỉ hưu như Fabio Cannavaro, Nistelrooy, Pires... với chi phí hữu nghị, qua giao lưu với người hâm mộ, trò chuyện với giới truyền thông, xuất hiện ở một vài chương trình liên quan đến sản phẩm của họ, cốt để tạo ra vỏ bọc về hình ảnh, “dễ ăn nói” với nhà tài trợ.
Song rất hiếm có ngôi sao bóng đá nào đang còn thi đấu và thực sự nổi tiếng được mời đến Việt Nam, ngoại trừ tiền vệ David Beckham hồi năm 2003, khi anh vừa chuyển từ CLB Man.United sang khoác áo Real Madrid. Beckham đã kéo cả biển người đến chật kín SVĐ Quân khu 7 lúc đó, từng khiến hàng vạn fan nữ mê mẩn và khóc thảm thiết vì không thể tiếp cận được thần tượng của mình. Nhà tổ chức và cũng là nhà tài trợ Castrol cười hãnh diện, vì khoản đầu tư lớn mà họ bỏ ra để đưa David Beckham đến Việt Nam đã thắng lớn, thắng từ dạo 2003 cho đến bây giờ.
Trong khi đó, những ngôi sao hoặc đã qua thời đỉnh cao hoặc “hết đát” như Ronaldinho, Andy Cole, Fabio Cannavaro... đến và tỏ ra thân thiện thật đấy, nhưng sức thu hút và độ ảnh hưởng của họ đối với người hâm mộ không lớn lắm. Giới truyền thông cũng hào hứng săn đón và chạy đua thông tin cho bằng được, bởi vì hầu hết đều hiểu đấy là chiêu trò của nhà tổ chức.
Tất nhiên, để đưa được những cựu ngôi sao của bóng đá thế giới sang Việt Nam cũng tiêu tốn không ít tiền của nhà tổ chức. Song có vẻ như họ không mấy quan tâm đến hiệu ứng truyền thông, đến cảm xúc của người hâm mộ, mà chỉ tập trung nghĩ đến sẽ nhận được món hời, bỏ túi bao nhiêu tiền nào sau khi sự kiện đó khép lại. Chính vì vậy, công tác tổ chức mới cứng nhắc, thường rất lộn xộn.
Vài năm nữa, có lẽ Cristiano Ronaldo hoặc Lionel Messi sau khi giải nghệ sẽ đến thăm Việt Nam, cũng với kiểu dàn xếp giàu tinh thần... tiết kiệm như thế. Còn lúc này, lúc họ còn đang ở đỉnh cao bóng đá thế giới, giấc mơ được “mục sở thị” thần tượng ngoài đời của người hâm mộ khó mà thành hiện thực.
LÊ HÙNG