1. Người ngoài mà nhìn vào bóng đá Việt Nam, hẳn sẽ thấy chúng ta may mắn. Ở thượng tầng, là đối tác chiến lược. Dưới một chút, mảng đội tuyển có Honda tài trợ, V-League do người khổng lồ Toyota bảo lãnh. Dưới chút nữa, cầu thủ Việt được J-League săn đón, chuyên gia Nhật sang Việt Nam ào ào. Toàn bộ kế hoạch tập huấn của các đội tuyển do phía bạn bảo đảm, hàng loạt CLB xếp hàng làm “quân xanh” ở đủ mọi cấp độ, đẳng cấp. Trong khi đó, gần như phía bạn chẳng buộc bóng đá Việt phải “đáp lễ” gì cả. Kết thân với một nền bóng đá số 1 châu Á như vậy, hẳn chẳng phải là chuyện dễ dàng nếu không nói là một lợi thế đặc biệt cho bóng đá Việt Nam khi người Nhật cho thấy một khi đã giúp thì hết sức nhiệt tình, từ tiền bạc đến cơ hội và cả vấn đề con người, tư duy.
Chưa đầy 2 năm đón tiếp HLV Miura thế mà chúng ta lại đòi sa thải HLV này. Ảnh : Hoàng Hùng
2. Nhưng phàm trong bất kỳ mối quan hệ hợp tác nào, những gì người khác đưa đến không quan trọng bằng cách chúng ta tiếp nhận ra sao? Sẽ chẳng có ích lợi gì khi sự hợp tác ấy chỉ mang tính hình thức, là cái “vỏ” trong khi bên trong vẫn là “thuần Việt” theo nghĩa không được tích cực. Cũng như những “con Wave Tàu” một thời, bên ngoài thì copy kiểu dáng xe Nhật, nhưng chất lượng chẳng đảm bảo khi chạy bằng động cơ không phải của Nhật sản xuất. Càng chạy, càng mau hư hỏng mà thôi.
Hãy xem, mới hợp tác với bóng đá Nhật chưa đầy 2 năm, chả biết đã tiếp thu được công nghệ gì chưa, nhưng gần đây lại có khá nhiều dấu hiệu cho thấy dường như bóng đá Việt Nam hiểu sai về mối quan hệ này. Ví dụ như chuyện đòi sa thải Miura, đòi cải tổ lối chơi của đội tuyển, hay chuyện kéo nhau đi học hỏi K-League (giải nhà nghề Hàn Quốc), rồi việc đội tuyển U.23 đá tập chỉ với các đội bóng Nhật Bản.
Cần phải lưu ý, chúng ta bắt tay với bóng đá Nhật theo kiểu “tầm sư học đạo” chứ không phải win-win, đôi bên cùng có lợi. Điều này có nghĩa, chính chúng ta đưa ra đề nghị hợp tác sau khi đã nghiên cứu hẳn hoi, rút kinh nghiệm một thời gian dài chứ thật khó tin rằng bóng đá Nhật được lợi gì để phải đi tìm gặp phía chúng ta để hợp tác (mảng kinh doanh là khía cạnh khác). Thế mà chúng ta lại đòi sa thải HLV Miura theo kiểu “ông chủ” và “người làm thuê”, chưa thấm được triết lý trong cách tổ chức huấn luyện đội tuyển, lại đòi tìm một HLV khác phù hợp với cách chúng ta muốn đội tuyển thi đấu. Chưa kịp vui mừng vì được J-League tiếp nhận cầu thủ sang học việc, đã vội “tự hào" bằng những số tiền chuyển nhượng mà chẳng ai biết mức độ chính xác cứ như thể người Nhật phải xếp hàng để có chữ ký. Chưa thấy V-League hay các CLB làm gì cho giống J-League thì lại “gật gù” với cách làm bóng đá của Hàn Quốc.
3. Xin nhắc lại, việc đi theo mô hình Nhật Bản chỉ mới bắt đầu chưa đến 2 năm và cũng chỉ mới ở quá trình hợp tác mang tính giao lưu chứ chưa có gì căn cơ, bài bản. Phàm là “hợp tác chiến lược”, là “xây dựng mô hình” thì mất chục năm cũng là chưa đủ. Cứ xem, V-League 10 năm qua nhích lên được cái gì? Thành tích của các đội tuyển 10 năm qua, khác gì? Ấy vậy mà lúc bắt đầu thì vồn vậy, gần như lệ thuộc rồi chỉ một thời gian ngắn đã quay ngược nghi ngờ, chê bai, đánh giá tổng kết.
Làm thế, rốt cục cũng chỉ là có cái vỏ Nhật ở ngoài, trong vẫn là “động cơ Việt”.
HỒ VIỆT