Một đội bóng bỏ giải thì có bị trừng phạt nặng không? Về lý thuyết là rất nặng như phải xuống đá hạng Ba, rồi người đứng đầu bị cấm hoạt động bóng đá. Nghe thì có vẻ nặng nhưng một khi người ta đã chán bóng đá, thì có nặng hơn cũng chẳng phải là rào cản.
Thành ra ở bóng đá chuyên nghiệp, mô hình hoạt động của một công ty bóng đá bắt buộc phải là cổ phần. Người ta cũng cố gắng đưa vào quy định các cổ đông phải đến từ một số thành phần mang tính cốt lõi như đại diện địa phương hay hội CĐV… để một khi ông chủ đội bóng có chán bóng đá thì cũng chỉ là từ bỏ cổ phần của mình và cũng cần có sự tán thành của hội đồng quản trị.
Nhưng rào cản lớn nhất để người ta không nghĩ đến chuyện bỏ giải đó là CLB phải đem lại tiền. Không có lãi thì chí ít cũng chỉ thua lỗ chút đỉnh. Chứ một khi CLB không làm ra tiền, ông bầu chỉ cần ngưng hợp đồng tài trợ thì các cổ đông khác có muốn duy trì đội bóng cũng chẳng được. Khi ấy, họ chỉ còn một giải pháp là bỏ giải chứ không thể duy trì đội bóng ở các hạng đấu thấp hơn khi bản chất vẫn là không có tiền.
Với tình trạng của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện tại, thứ duy nhất ngăn cản tình trạng bỏ giải chính là “rào cản lương tâm”. Chúng ta dễ dàng phê phán việc bỏ giải của các ông bầu nhưng trên thực tế, cũng không có lý do gì đủ giá trị để thuyết phục họ ở lại với bóng đá.
Nói cho cùng, bóng đá cũng chỉ là một trò chơi và một CLB cũng chỉ là một doanh nghiệp. Khi cảm xúc đã hết và công ty làm ăn chẳng ra gì thì cuộc chơi phải dừng lại. Có trách móc, phê phán cũng chẳng được.
Các câu chuyện của K.Kiên Giang, HV An Giang cho chúng ta một góc nhìn khác. Trên thực tế, 2 đội bóng này hoàn toàn không đủ lực để đá V-League nhưng vẫn cố lên, ấy là lỗi của những người làm bóng đá tại 2 đội này.
Cái cơ chế lên - xuống hạng của chúng ta quá dễ dãi nên việc lên hạng V-League giống như một cú rướn chứ không hề có lộ trình nào cả. Vì sao K.Kiên Giang dễ dàng giải tán CLB? Bởi vì có giải tán thì cũng chẳng mất gì bởi nền tảng của làng bóng ấy chỉ có chừng đó? Còn HV An Giang, 17 năm ròng rã họ đá hạng Nhất mà không lên nổi cũng đủ hiểu là họ không đủ lực.
Tự dưng nhờ có 3 suất thăng hạng ở mùa trước, họ nghiễm nhiên “lên đời” chứ nếu còn 12-14 đội như trước thì chắc gì HV An Giang đã chịu thăng hạng. Tại sao họ sẵn sàng bỏ giải thay vì chấp nhận đá cho đến cuối mùa để trở lại hạng Nhất? Bởi vì sau đá V-League được mấy trận, họ đã nhận ra là có cố thăng hạng cũng chẳng được cái gì. Tóm lại, chẳng có lý do gì khiến họ phải khổ sở cố gắng cho đến cuối mùa cả.
Đăng Linh