VFF và vai trò nhạc trưởng

1. Cho dù có giao 3 giải đấu chuyên nghiệp cho VPF điều hành, có trao toàn quyền huấn luyện cho ông Miura, có xã hội hóa các giải đấu lứa tuổi, thì VFF vẫn là cơ quan quyết định và chịu trách nhiệm về sự thành công của những phần việc ấy. Ví dụ như V-League, họ kiểm soát trọng tài, giám sát, là nơi duy nhất đưa ra các quyết định kỷ luật, chế tài nhưng họ lại không cho thấy vai trò mang tính quyết định của mình ở các cuộc hội thảo, hội nghị liên quan đến giải đấu. Hoặc công việc của HLV Miura, những trợ lý của ông này là do VFF thuê làm việc. Cầu thủ ông Miura muốn gọi phải do VFF thẩm định. Ấy thế mà khi đội tuyển U.23 bị chấn thương hàng loạt, lại chẳng thấy VFF có liên quan gì, người ta tập trung nói về chế độ tập luyện của ông Miura.

Nếu chuyện của Quế Ngọc Hải – Anh Khoa VFF làm tốt thì chẳng để lại tiếng xấu như bây giờ. Ảnh: Hải Nam

Nhưng tiêu biểu nhất có lẽ là câu chuyện kỳ cục liên quan đến suất dự hạng Nhất của Cà Mau. Đơn xin rút lui thì gởi đến VFF nhưng Cà Mau lại được “cứu” bởi VPF. Cần lưu ý, vai trò của VPF thực ra nằm ở khâu kiểm tra năng lực của các CLB khi những đội này nhận được quyền tham gia các giải đấu của họ quản lý. Nói cách khác, thường thì VPF đóng vai trò “bộ lọc” chứ không phải là giúp đỡ, hỗ trợ. Việc giúp đỡ các đội chưa phải chuyên nghiệp có đủ tiêu chuẩn thăng hạng, đó là trách nhiệm của VFF. Trong vụ Cà Mau, có vẻ VFF lại làm ngược chức năng.

2.
Thế nên, trên tinh thần đổi mới của VFF khóa 7, có lẽ cái cần tập trung nhất của tổ chức này đó là nâng cao vai trò nhạc trưởng của mình thay vì sa đà vào các sự việc mang tính kỷ thuật. Ví dụ như kỹ luật các cầu thủ hay CLB nên giao cho VPF xử lý trước, nếu mức độ nghiêm trọng thì VFF mới “xử phúc thẩm” để tăng hay giảm hình phạt cũng như đưa ra quy mô rộng hơn cho án kỷ luật mà VPF đã thực hiện trước đó. Như chuyện của Quế Ngọc Hải chẳng hạn, từ hình ảnh cho đến quy định kỷ luật đều có khung sẵn, ai ra án phạt mà chẳng được, chỉ là nhẹ hay nặng mà thôi.

Với các CLB bóng đá cũng thế. Việc của VFF là làm sao số lượng CLB ngày càng nhiều hơn, nhiều địa phương có đội bóng hơn, rồi các đội phong trào tiến lên chuyên nghiệp đông đảo hơn. Ở góc độ này, chỉ có VFF mới đủ thẩm quyền và tư cách để bàn chuyện với các địa phương. Còn việc các CLB có đủ chuẩn dự hạng Nhất hay V-League hay không, cứ để VPF tự giải quyết. Nếu VFF mà làm tốt công tác phát triển phong trào, có lẽ VPF cũng đở khổ chuyện mùa nào cũng cân nhắc số lượng suất lên – xuống hạng… Qua việc Ninh Bình “đòi” quyền lợi đá V-League hiện nay cho thấy vai trò nhạc trưởng của VFF có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Việc ấy, VPF không thể làm nổi.

Nói đúng hơn, VFF cần phải trở về với chức năng quản lý, hoạch định chiến lược của mình. Cái cảnh không có nhà chuyên môn nào chịu vào VFF làm việc đã cho thấy uy tín của tổ chức này xuống dốc trầm trọng.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục