1. Vụ việc ông Nguyễn Văn Chương tố cáo chủ tịch và phó chủ tịch VFF nhận hối lộ tạm thời đã yên sau khi cơ quan điều tra khẳng định không có căn cứ. Tuy nhiên, qua chuyện này phần nào đó cho thấy ngay tại VFF cũng có vấn đề “chạy chức, chạy chỗ”. Nguồn gốc của vụ tố cáo nói trên xuất phát từ việc lãnh đạo VFF sa thải nhân viên vì “thiếu năng lực” trong khi nhân viên “tố ngược” là lãnh đạo “nhận tiền mà không lo giúp”.
Một tổ chức xã hội được hình thành trên cơ sở tự nguyện, hoạt động như một Tổng công ty, tham gia liên doanh, góp vốn, đầu tư ở một số lĩnh vực, ấy thế mà vẫn có chuyện “chạy chức, chạy chỗ” hẳn là không đúng tính chất công việc. Một tổ chức xã hội nghề nghiệp đang quản lý cả triệu người hoạt động trong lĩnh vực bóng đá thế mà không thể có một Hội đồng HLV, không có Giám đốc kỹ thuật, tức là toàn những vị trí mang tính chuyên môn thì cũng thật khó hiểu.
Thế nên mới đặt câu hỏi: tại sao ngay tại những cơ quan công quyền còn phải tổ chức thi tuyển công chức, viên chức vào làm việc cho mình mà VFF lại không làm điều đó khi mà họ không hề thiếu nguồn nhân lực để đến nỗi lãnh đạo cao cấp cũng vất vả khi sa thải 1 nhân viên dưới quyền, một công việc quá đơn giản ở ngoài xã hội.
VFF tổ chức thi tuyển Giám đốc kỹ thuật và Hội đồng HLV xem sao? Ảnh: Hoàng Hùng
2. Thử làm một ví dụ: VFF tổ chức thi tuyển Giám đốc kỹ thuật và Hội đồng HLV xem sao? Đây là những vị trí không hề thiếu người sẵn sàng cống hiến miễn là họ phải biết rõ quyền hạn, trách nhiệm và lương bổng. Đây là các công việc cần có tính chuyên trách rất cao, tức là mức độ làm việc còn nặng nề hơn cả những nhân viên tại trụ sở của VFF. Thậm chí cường độ công việc còn cao hơn cả HLV đội tuyển quốc gia. Nếu HLV Miura chỉ làm mỗi việc là đi tìm các cầu thủ theo ý đồ của mình thì GĐKT hay Hội đồng HLV phải có mặt tại mọi giải đấu từ U đến V-League, phải đến từng địa phương để nghiên cứu, phải có một hệ thống nhân viên cũng như công nghệ khoa học phục vụ cho công tác lưu trữ dữ liệu. Có như vậy, họ mới đủ cơ sở để hoạch định ra những hướng đi mang tính nền tảng về chuyên môn mà tham vấn cho VFF.
Đằng này, Hội đồng HLV của VFF chỉ tồn tại trên lý thuyết, làm việc theo hình thức tự nguyện nên họ có làm hay không, chẳng ai biết mà đánh giá. Họ có quyền hạn gì, được hỗ trợ tài chính ra sao, cũng không ai biết. Lấy ví dụ, nếu ông Lê Thụy Hải xung phong làm chủ tịch Hội đồng HLV hay GĐKT thì về tư cách cũng như thời gian chắc chắn là được nhưng ở tuổi thất thập như ông thì tiền túi đâu mà bỏ ra đi thực tế, ai phụ giúp những việc giấy tờ? Nếu VFF tổ chức thi tuyển thì họ sẽ phải tự đặt ra những tiêu chuẩn và người muốn cống hiến như ông Hải cũng sẽ nắm được yêu cầu công việc để tự lượng sức mình.
3. Ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy, càng là các vị trí có tính chuyên môn cao thì biện pháp tối ưu nhất vẫn là thi tuyển bởi có như vậy thì người giỏi mới tham gia. Họ có thể là chuyên gia nhưng cũng có thể là một người yêu bóng đá dù chưa từng đá bóng, điều quan trọng là họ sẽ làm tốt công việc mà mình đã thi để vào, đồng thời toàn tâm toàn ý với nó. Điều này sẽ tránh tình trạng “ngồi nhầm chỗ” tại VFF hiện nay hoặc ngồi không nhầm nhưng lại chẳng thể làm được gì khi thiếu cơ chế và điều kiện làm việc.
Đây chính là sự mâu thuẫn rất lớn của VFF. Họ phải bầu bán, tranh cử rất ghê gớm mới có được ban chấp hành nhưng những bộ phận yêu cầu giỏi chuyên môn thì đôi khi chỉ đơn giản là phân công hoặc đợi sự tự nguyện.
Hồ Việt