Bầu Đức được xem là người luôn đi tiên phong, có cách làm mới của bóng đá Việt Nam. Từ việc lần đầu tiên đưa các siêu sao bóng đá Thái Lan sang giải hạng nhất, đến chơi nguyên cái bảng quảng cáo Hoàng Anh Gia Lai trên sân Emirates của Arsenal ở giải ngoại hạng Anh trong hai mùa bóng; từ chỗ liên kết lập học viện bóng đá với CLB Arsenal đến màn chơi đẹp lấy máy bay riêng đưa các cầu thủ U.19 đi đấu giao hữu… Lần này, CLB của bầu Đức cũng làm cái việc lần đầu tiên mới có ở V-League: bán vé xem bóng đá trọn năm trên sân Pleiku.
Vé trọn gói với các sân bóng riêng của các CLB ở giải ngoại hạng Anh, Italia, Tây Ban Nha… là chuyện xưa rồi, nhưng ở V-League lại là chuyện lạ và rất lý thú. Nhiều mùa bóng qua, có những trận ở V-League chỉ lèo tèo vài khán giả, thậm chí không ít trận ban tổ chức sân còn mở cửa miễn phí mà chẳng ai vào xem. Giá vé bán ra cũng chỉ tượng trưng, còn các sản phẩm ăn theo CLB thì gần như không có. Vậy mà mùa V-League này, bầu Đức quyết định… tăng giá vé vào sân Pleiku và đặc biệt là bán vé trọn gói cả năm. Bốn mệnh giá vé lẻ xem từng trận ở sân này là 80.000, 60.000, 50.000 và 40.000 đồng (các mùa trước chỉ 50.000, 40.000, 30.000 và 20.000 đồng). Trong khi đó, giá vé trọn gói xem cả mùa bóng và các trận đấu cúp là 1 triệu đồng.
Đương nhiên, cũng học hỏi mô hình các nước, khi khán giả chọn mua vé trọn gói cũng được xem là cổ động viên ruột, nên có những ưu đãi khá hay như tặng áo thi đấu của CLB in số ghế phía trước, in tên cầu thủ phía sau và nhiều ưu đãi khác. Như vậy, khi sở hữu tấm vé này, cổ động nhiên coi như… mua luôn chiếc ghế riêng trên sân cho mình trong suốt mùa bóng. Vé trọn gói chỉ bán cho 2.000 ghế trên khán đài A, nên cũng được xem là khu vực dành riêng cho khán giả VIP. Để có thể đáp ứng được sự chuyển động này, lãnh đạo CLB đang tiến hành nâng cấp sân như lắp dàn đèn mới, sửa chữa hệ thống nhà vệ sinh, phòng điều hành, khu vực dành cho phóng viên, truyền hình trực tiếp…
Chung quy, đó chính là cách làm ra tiền của bóng đá chuyên nghiệp. Mà để đi đến giai đoạn kiếm tiền này, bầu Đức đã bỏ ra nhiều năm và không ít tiền để đầu tư cho lứa cầu thủ “hotboy” U.19 được đôn lên đá V-League ngay mùa này. Nếu không dụng công và “có điều kiện” như bầu Đức thì làm gì có chuyện… gặt hái. Vì vậy, cách làm này rất đáng được học hỏi nếu bóng đá Việt Nam thật sự muốn chuyên nghiệp. Thế nhưng, trong khi có những CLB bắt đầu có thể nghĩ đến chuyện kiếm tiền từ bóng đá thì Ban tổ chức V-League lại rơi vào cảnh chạy đôn chạy đáo kiếm tài trợ. Mùa bóng mới chỉ còn khoảng hơn tháng nữa khai mạc nhưng nhà tài trợ cho V-League vẫn chưa tìm ra sau khi Eximbank chính thức tuyên bố rút lui sau 4 mùa gắn bó.
Khi ông Lê Hùng Dũng đã đắc cử Chủ tịch VFF thì cũng là lúc nhà tài trợ mà ông giữ vai trò chủ tịch HĐQT tuyên bố rút khỏi V-League. Dù vậy, trên thực tế hai chuyện trùng hợp này được cho là không liên quan nhau. Và giờ đây, trách nhiệm kiếm tiền thuộc về bầu Đức với vai trò Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính, tài trợ, cũng là người bạn thân thiết của ông Dũng. Bầu Đức đã dụng công và có cách kiếm tiền khá hay cho CLB, hy vọng ông sẽ cũng làm được chuyện chung cho bóng đá Việt Nam.
PHƯƠNG NAM