Vẽ rắn thêm chân

Đã được biết cách đây một năm nhưng phải đến hôm qua, hình hài của Ban đạo đức mới hiện rõ với cái tên mới: Ban tư vấn đạo đức. Ý tưởng hình thành ban này dựa trên tình hình tiêu cực của bóng đá Việt Nam, nhất là các mâu thuẫn về lợi ích của các thành phần tham gia trong bối cảnh bóng đá Việt chưa thật sự chuyên nghiệp. Về cơ bản, có thêm một cơ quan để ngăn ngừa tiêu cực là tốt nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng chuyện này sẽ chẳng đi đến đâu.

Đầu tiên là tính pháp lý không ổn. Ban này chỉ là một bộ phận của Công ty VPF, tức chỉ có chức năng hoạt động nội bộ, khó có thực quyền trong hoạt động xã hội. Thế nhưng, phương thức hoạt động và kinh phí lại là vận động từ xã hội chứ không phải do VPF chịu trách nhiệm.

Kế đến, nhiệm vụ của ban này khá chung chung: Tư vấn cho VPF và BTC các giải đấu về các trận đấu nhạy cảm và tình hình đạo đức cầu thủ đồng thời sẽ chấm điểm đạo đức CLB hàng tháng. Khối lượng công việc như vậy là “khủng khiếp” nhưng ban này chỉ có 7 thành viên mà lại không hề chuyên trách. Xin nhớ là chỉ nội việc đánh giá tính chuyên môn của mỗi trận đấu, BTC giải cần đến hệ thống giám sát, điều phối viên, trọng tài, BTC sân và băng ghi hình trận đấu. Vậy mà vẫn còn sai sót. Thế nên, chẳng hiểu bằng cách gì mà Ban tư vấn đạo đức có thể đánh giá từng cá nhân, CLB một cách chính xác được. Mà đã không đánh giá, làm sao tư vấn?

Cuối cùng, là khả năng chồng chéo công việc một cách không cần thiết. Theo các quy định hiện hành, hệ thống tổ chức của bóng đá Việt Nam đã có sẵn Ban kỷ luật và Ban khiếu nại của VFF, chưa kể phòng quản chế tư cách cầu thủ, đây là những bộ phận có chức năng kiểm soát vấn đề đạo đức của một nền bóng đá. Còn nữa, đa số các thành viên ban tư vấn lại thuộc giới truyền thông trong khi tự thân các cơ quan báo chí đã phản ảnh tiêu cực nhiều nhất, chưa kể đã có sẵn giải Fairplay do một cơ quan truyền thông khác tổ chức hàng năm.

V.QUANG

Tin cùng chuyên mục