VCK U.23 châu Á 2016 - Đi mãi thì… thành đường

Quyết định vào giờ chót được HLV Miura đưa ra: Loại Văn Dũng, vớt Tuấn Anh ở lại với U.23 Việt Nam. Điểm cộng được trao cho Tuấn Anh, nhưng…

Nỗ lực trong 2 trận đóng vai phụ trên đất Qatar của Tuấn Anh đã được HLV Miura ghi nhận. Vào phút chót, ông quyết định điền tên Tuấn Anh vào danh sách 23 cầu thủ đăng ký chính thức, trong khi hậu vệ Văn Dũng bị gạch tên. Vì vậy, bộ đôi phải chia tay U.23 Việt Nam vào phút chót là Văn Dũng và Đức Lương, hậu vệ đã không thuyết phục được HLV Miura đổi ý như Tuấn Anh đã thành công.

Những nỗ lực của Tuấn Anh đã được HLV Miura ghi nhận và quyết định giữ lại tiền vệ này. Ảnh: Dũng Phương

Việc Tuấn Anh nhận vé vớt của ông Miura đến từ nỗ lực của tiền vệ người Thái Bình trong giai đoạn quyết định. Nhưng cũng phải thừa nhận, Tuấn Anh đã gặp may vì… Mạnh Dũng nhanh bình phục chấn thương. Sự trở lại kịp lúc của hậu vệ người xứ Nghệ giúp ông Miura bình tâm hơn trong phép tính ở vị trí hậu vệ trái. Cho nên, ông thầy người Nhật mới chấp nhận bỏ đi một hậu vệ cánh để điền vào danh sách tiền vệ trung tâm như Tuấn Anh.

Dù sao, sự có mặt của Tuấn Anh cũng tạo cho ông Miura thêm nhiều lựa chọn ở khu trung tuyến. Bởi nếu triển khai theo phương án cũ, tuyến giữa của U.23 Việt Nam trở thành một trong những khu vực… yếu nhất. Đơn giản vì sau khi mất đôi cánh Võ Huy Toàn và Hồ Ngọc Thắng, các tiền vệ mà ông Miura mang đến Qatar cũng không ở trạng thái sung sức nhất. Xuân Trường, Duy Mạnh và Hữu Dũng đều mới trở lại sau chấn thương. Đấy cũng là lý do khiến một trung vệ như Trần Hữu Đông Triều bỗng nhiên sáng cửa đá chính, từ vị trí tiền vệ trụ cho đến vai trò tiền vệ cánh phải.

Trong số các tiền vệ trung tâm hiện có của U.23 Việt Nam, ưu tiên hàng đầu của ông Miura là sử dụng cặp Hữu Dũng – Duy Mạnh. Bộ đôi này từng chơi khá liền mạch ở SEA Games 28 và quan trọng, họ đều là những gương mặt được ông Miura ưa thích. Nếu Hữu Dũng, Duy Mạnh có trạng thái tốt nhất, cơ hội dành cho Tuấn Anh và 2 đồng đội khác thuộc “lò” HA.GL là Đông Triều, Xuân Trường không nhiều. Nó lý giải vì sao trận gặp Nhật Bản, ông Miura đang tìm cho Đông Triều vị trí mới là… tiền vệ phải.

Đương nhiên giá trị của Tuấn Anh không thể chóng vánh thay đổi quan điểm của ông Miura. Người ta cũng chẳng loại trừ hết khả năng, ông Miura trao vé vớt cho Tuấn Anh vào phút chót là một bước đi chiến thuật. Tức là ông muốn nhận được sự ủng hộ, lấy lòng dư luận để U.23 Việt Nam yên ổn tập trung cho mục tiêu lớn. Cần nhớ là trong đám trẻ của bầu Đức, bên cạnh Công Phượng vốn rất ầm ĩ, Tuấn Anh luôn là cái tên được ủng hộ, yêu mến tối đa.

Giờ thì Tuấn Anh đã được ông Miura trao cơ hội chót để hy vọng tỏa sáng. Thành hay bại, điều ấy không chỉ phụ thuộc vào ông thầy người Nhật mà then chốt nhất, nó phụ thuộc vào nỗ lực của tiền vệ gốc Thái Bình. Đi nhiều, vấp nhiều thì cuối cùng cũng tìm thấy đường vào trái tim của ông Miura?

GIA  MINH


Tinh thần là “chìa khóa” chính


Các cầu thủ U.23 Việt Nam chuẩn bị nhập cuộc ở sân chơi mang tầm châu lục, sẽ đương đầu với nhiều đối thủ mạnh. Nhiều khó khăn đang chờ đợi ở phía trước và liệu họ sẽ vượt qua?

U.23 Việt Nam đang có tinh thần rất tốt để chuẩn bị nhập cuộc ở sân chơi mang tầm châu lục. Ảnh: Anh Khoa

Trong một lần trao đổi cùng chúng tôi, HLV Trần Minh Chiến (Trung tâm PVF) đã nhận xét: “Việc rơi vào bảng đấu cùng các đội mạnh như Australia, UAE và Jordan, rõ ràng là cơ hội đi tiếp của chúng ta không nhiều lắm. Tôi cho rằng mục tiêu tốp 8 chủ yếu để ông Miura hướng các cầu thủ luôn phấn đấu mỗi khi ra trận thôi. “Chìa khóa” chính của U.23 Việt Nam lúc này chính là tinh thần thi đấu. Những trận đấu tập huấn tại Việt Nam trước khi sang Qatar cũng như những thông tin từ 2 trận gặp Yemen và Nhật Bản, điều đáng mừng là tinh thần thi đấu của đội ngày càng cải thiện. Đó mới chính là điều được chờ đợi nhất trong lúc này”.

Các trận đấu sắp đến, Việt Nam còn có nhiều lý do khác để hy vọng làm nên bất ngờ, đó là sự khởi sắc ở lối chơi. Bên cạnh đó, ở VCK lần này ông Miura dần “lái” bộ khung chủ lực của đội theo hướng mới, đó là dựa vào dàn cầu thủ của HA.GL. Hôm qua, Tuấn Anh chính thức được giữ lại như là tin vui với những fan yêu thích cầu thủ này. Sự xuất hiện của Tuấn Anh, Đông Triều, Công Phượng, Văn Toàn… với vai trò nòng cốt ở U.23 Việt Nam lần này hứa hẹn sẽ đem lại luồng gió mới cho toàn đội để hy vọng tạo nên sự bất ngờ. VCK lần này còn là bước đệm quan trọng cho họ hướng đến SEA Games năm sau với mục tiêu HCV.

HOÀNG  GIANG


Nhận định từng bảng: Chủ nhà, Nhật Bản, Iraq và Australia được đánh giá cao

Ngày hôm nay (12-1), VCK U.23 châu Á 2016 chính thức khởi tranh tại Qatar để xác định 3 vị trí cao nhất cho suất tới dự Olympic Rio 2016. Có 2 lý do mà các đội mạnh tập trung giành chiến thắng giải lần này. Thứ nhất, đây không phải là những giải đấu cấp thấp như U.16 hay U.19 mà U.23 đã quy tụ nhiều cầu thủ chuyên nghiệp và khoác áo đội tuyển quốc gia. Thứ hai, chiến thắng ở giải đấu này là kinh nghiệm quý báu, đồng thời dự báo một tương lai tươi sáng ở phía trước.

U.23 Nhật Bản là một trong những đội bóng được đánh giá cao. Ảnh: T.L

Bảng A: Qatar, Syria, Iran và Trung Quốc

Iran và Trung Quốc là 2 đội bóng từng dự World Cup nhưng U.23 lại là câu chuyện khác. Iran được đánh giá cao nhưng lại mất quá nhiều cầu thủ chất lượng như Alireza Jahanbakhsh và Sardar Azmoun vì không được các CLB châu Âu “nhả”. Syria và Trung Quốc không được đánh giá cao bằng chủ nhà Qatar lần đầu tiên góp mặt. Qatar không chỉ có sự chuẩn bị chu đáo mà HLV người Tây Ban Nha Feliz Sanchez còn có lực lượng mạnh nhất như Abdelkarim Hassan, Ali Asad, Ahmed Yasser và Mohammed Muntari. Khả năng Qatar sẽ giành lấy ngôi đầu bảng.

Bảng B: Ả Rập Saudi, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên và Thái Lan

Đây là bảng đấu căng nhất VCK U.23 châu Á 2016. Nhật Bản với dàn cầu thủ trẻ vượt trội như Wataru Endo, Takumi Minamino và Yuya Kubo nên đội bóng của HLV Makoto Teguramori được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất cho danh hiệu lần này.

CHDCND Triều Tiên sau khi thắng giải U.16 châu Á 2014 đã về nhì U.19 và Asian Games cùng năm cho thấy cũng là đối thủ đáng gờm. Ả Rập Saudi rất mạnh ở tuyến giữa, chơi chắc từ phần sân nhà. Ngay cả Thái Lan cũng không bị đánh giá thấp. HLV Kiatisak được nhìn nhận là giúp bóng đá Thái Lan phát triển nhanh và ổn định với vài tài năng vượt trội như Chanatip Songkrasin. Nhật Bản sẽ là đội giành ngôi đầu bảng.

Bảng C: Iraq, Hàn Quốc, Uzbekistan và Yemen

Hàn Quốc giàu tham vọng khi muốn là quốc gia đầu tiên 8 lần dự môn bóng đá Olympic, trong đó có tấm HCĐ tại Olympic London 2012. Lực lượng trong tay HLV Shin Tae-yong khá mạnh ở hàng công như Hwang Hee-chan, Ryu Seong-woo… dàn cầu thủ của Hàn Quốc vừa có tài năng, vừa có kinh nghiệm quốc tế và có cả khát vọng chinh phục. Đối thủ chính của Hàn Quốc là Iraq bởi vì “Cáo sa mạc” có nhiều tuyển thủ quốc gia ở tuyển U23 như Saif Salman, Humam Tariq, Ali Faez và Mustafa Nadhim. Uzbekistan và Yemen chỉ là kẻ lót đường. Iraq dự kiến sẽ vượt qua Hàn Quốc để chiếm ngôi đầu bảng.

Bảng D: Jordan, Australia, UAE và Việt Nam

Trận mở màn giữa Australia và UAE có thể quyết định vị trí đầu bảng D chung cuộc. Australia của HLV Aurelio Vidmar được đánh giá có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất dù thiếu vắng nhiều trụ cột do các CLB châu Âu không cho về. Hàng công với Jamie Maclaren và Mustafa Amini khá sắc nhọn, trong khi hàng thủ chơi ổn định và chắc chắn. Hạng ba ở VCK lần trước Jordan bị cho là vất vả trong việc giải quyết hàng công khó khăn ghi bàn. Việt Nam được cho là có nhiều cầu thủ giàu kinh nghiệm trận mạc. Australia có nhiều cơ hội chiếm ngôi đầu bảng.

LÊ  HÀN

Tin cùng chuyên mục