V-League xấu xí

V-League xấu xí

Hình ảnh chiếc quan tài giấy mà CĐV Hải Phòng đem lên khán đài sân Lạch Tray đã bôi đen V-League. Một ngày sau đó, đến chuyện xảy ra ở Kiên Giang khi CĐV SLNA đánh một chú bé và CĐV Kiên Giang tấn công bằng gạch đá vào xe chở CĐV đội khách…

Cỗ quan tài giấy để “đưa tiễn” đội nhà là một sự xúc phạm đến những người hâm mộ chân chính của Hải Phòng. Ảnh: V.S.I

Cỗ quan tài giấy để “đưa tiễn” đội nhà là một sự xúc phạm đến những người hâm mộ chân chính của Hải Phòng. Ảnh: V.S.I

Than thở mãi về một nền bóng đá nội địa ngày càng xấu xí cũng chẳng để làm gì, điều đáng để chúng ta phải suy nghĩ hơn cả đó là: còn cơ hội nào cho các CĐV chân chính quay lại với bóng đá nội địa hay không khi giải đấu số 1 quốc gia tẻ nhạt về chuyên môn, kém cỏi về tham vọng và sân bóng giờ đây cũng chẳng còn sự cao thượng, công bằng.

Cỗ quan tài bằng giấy trên sân Lạch Tray nói lên điều gì? Đó phải là sự chia sẻ của một CĐV thực thụ đối với việc rớt hạng của đội nhà hay không? Chẳng ai vui vẻ gì khi chứng kiến đội mình phải xuống hạng. Người ta có quyền tức giận khi không thấy được nỗ lực của các cầu thủ. Nhưng cảm xúc là một chuyện, thể hiện điều đó cho có văn hóa, mang tính thể thao lại là chuyện khác. Bóng đá chỉ là một trò chơi mà chuyện thắng-thua vốn rất bình thường. Đội bóng có rớt hạng thì chính tình yêu của CĐV là nguồn động lực để họ phấn đấu thăng hạng. Đôi khi, chính nỗ lực đó còn đáng quý, đáng yêu hơn là giành một chức vô địch. Đem cỗ quan tài giấy để “đưa tiễn” đội nhà là một sự xúc phạm với bóng đá, xúc phạm đến những người hâm mộ chân chính.

Vì sao xe chở CĐV SLNA bị tấn công? Vì đội nhà thua ư? Kiên Giang đâu phải là đội mạnh, họ từng thua nhiều trận trên sân nhà mà có tỏ thái độ tức giận nào đâu. Thua SLNA thì lại càng không có cơ sở để giận dữ mà nếu có, thì lẽ ra phải giận cầu thủ đội nhà chứ ai lại bực tức đội khách vốn mạnh hơn. Phân tích như vậy để thấy cái nguyên nhân khiến CĐV Kiên Giang tức giận hẳn phải đến từ cách cổ động quá đà, hành xử thiếu văn minh từ các CĐV đội khách.

o 0 o

Thắng thì đâu có nghĩa là muốn vui sao thì vui rồi trêu tức người đang thất vọng. Thất bại thì cũng chẳng có nghĩa thảm họa đến mức phải biểu thị bằng hành vi vô cảm như trên khán đài sân Lạch Tray. Ở Việt Nam ngày nay, đâu có thiếu những hành động cao thượng trên sân đấu thể thao quốc tế mà người hâm mộ được xem qua truyền hình. Cái đẹp đó sao không học, lại thể hiện những cách bày tỏ cảm xúc kém văn minh đến thế?

Như đã nói ở trên, đã đến lúc chẳng còn thời gian để phê phán những cái xấu xí của bóng đá Việt Nam. Điều đáng phải gọi là “thảm họa” chính là việc người yêu bóng đá chân chính sẽ không còn muốn đến sân nữa. Họ, những người trước đây đã quá chán ngán với thứ bóng đá tiêu cực, cục bộ địa phương thời bao cấp, đã thất vọng về kiểu chơi bóng vì tiền lương, thưởng của cầu thủ thời chuyên nghiệp, nay sẽ còn sợ phải đến sân bóng. Khán đài giờ đây là nơi người ta muốn làm gì thì làm, là nơi mà người ta đem những bực tức trong đời sống để trút cả vào trận đấu thay vì đến sân để giải trí, thư giãn và quên đi những lo toan thường nhật. Nói cách khác, đi xem bóng đá tại Việt Nam bây giờ chẳng khác nào chuẩn bị đi “quậy”, đi xả cơn tức, thể hiện những cái vốn không được phép bên ngoài xã hội. Với một khán đài đầy rẫy những điều xấu xí như vậy, làm sao còn chỗ ngồi cho một ông bố dẫn con mình đến xem bóng đá nữa.

o 0 o

Nói đi cũng phải nói lại, khán đài xấu xí như thế cũng chỉ là sự phản chiếu trung thực một nền bóng đá xấu xí từ chất lượng chuyên môn đến hình ảnh bên ngoài xã hội. Nó cho thấy năng lực tổ chức của chúng ta thật sự có vấn đề dù không ai phủ nhận, chúng ta cũng đã có nhiều kinh nghiệm về điều hành bóng đá. Tổ chức được các trận đấu là một chuyện mà tổ chức cho tốt cả một giải đấu lại là chuyện khác. Họ đã điều hành bóng đá nội địa như thế nào mà trên sân cỏ cầu thủ thích đá sao thì đá, còn trên khán đài CĐV muốn làm gì thì làm.

Một V-League xấu xí đến mức ấy thì làm sao có được nền bóng đá chuyên nghiệp?!

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục