V-League thời “bão giá” - Thắt lưng buộc bụng

Hết mốt xuất ngoại
V-League thời “bão giá” - Thắt lưng buộc bụng

Bỏ tập huấn nước ngoài, không chạy đua săn hàng hiệu, ít hợp đồng “bom tấn”, xem ra V-League, sau nhiều cuộc đua tiền, đã bắt đầu đến thời kỳ thắt lưng buộc bụng…

Hết mốt xuất ngoại

V-League từng xuất hiện trào lưu tập huấn nước ngoài trước mùa giải mới. Người ta quan niệm rằng, tập huấn nước ngoài là biện pháp để các cầu thủ toàn tâm toàn ý chuẩn bị và việc cọ xát với những đối thủ lớn rất có ích về chuyên môn. Thể Công trước đây từng tới Đức, Hungary, Hoàng Anh Gia Lai thường chọn Thái Lan và ngay cả một đội bóng nghèo như LS.Thanh Hóa ngày nào cũng thường có 2 tuần trên đất Thái. Ngay như Nam Định, đội có tiếng là tiết kiệm cũng từng sang Trung Quốc du đấu trước V-League.

Hai đại gia Hoàng Anh Gia Lai (trái), Đồng Tâm Long An chuẩn bị cho mùa bóng mới rất thầm lặng. Ảnh: Dũng Phương
Hai đại gia Hoàng Anh Gia Lai (trái), Đồng Tâm Long An chuẩn bị cho mùa bóng mới rất thầm lặng. Ảnh: Dũng Phương

Có vẻ như trào lưu đó đã chấm dứt ở thời kỳ “bão giá”. Từ nhà nghèo tới “đại gia” đều lấy việc giao hữu trong nước làm trọng. Bình Dương như thường lệ, tiếp tục bỏ tiền tổ chức BTV Cup và xem đây là cơ hội cọ xát chính trước V-League 2011. BTV Cup không chỉ có lợi cho Bình Dương, những đội khách được mời nghiễm nhiên được sở hữu cơ hội trải nghiệm tuyệt vời cho giai đoạn đầu chuẩn bị.

Hà Nội T&T từng có ý định tới Thái Lan tập luyện nhưng không hiểu vì sao kế hoạch này bị hủy. Đổi lại, họ vào Đà Nẵng tập chừng nửa tháng rồi trở ra thủ đô. Hòa Phát HN được chống lưng bởi một tập đoàn kinh tế lớn nhưng cũng tự mở giải, gọi thêm Hà Nội ACB, Hà Nội T&T, SHB.Đà Nẵng và LS.Thanh Hóa đá vòng tròn để lấy kinh nghiệm.

Sông Lam Nghệ An vừa cổ phần hóa, V.Ninh Bình - một “thiếu gia” quen mặt của V-League cũng tự hài lòng với một giải đấu từ thiện tổ chức ở sân Vinh. Vicem Hải Phòng sau khi dự BTV Cup cũng trở lại đất cảng rồi lẳng lặng ra Cát Bà rèn quân.

Việc tập huấn trong nước bằng cách dự một vài giải đấu đang được coi là giải pháp vẹn toàn thời “bão giá”. Chi phí ít trong khi chất lượng các trận giao hữu cũng đủ để các HLV đưa ra những điều chỉnh phù hợp với quá trình chuẩn bị. Mặt khác, việc tập huấn trong nước cũng giúp các đội bóng có cơ hội tuyển ngoại binh khá chính xác.

Những cuộc tháo chạy...

Có thời V-League xôn xao với những cuộc đua tiền. Các ngôi sao cả nội và ngoại được đẩy lên những cái giá cao ngất ngưởng. Nhưng ở mùa này, rất ít hợp đồng “bom tấn” được thực hiện. Leandro đến Bình Dương; Almeida, Quang Hải, Được Em… đến Navibank Sài Gòn; Phước Tứ, Sỹ Mạnh… đến Xuân Thành Sài Gòn có thể xem là những bản hợp đồng đáng chú ý nhất. Nhưng Navibank Sài Gòn và Xuân Thành chỉ là những cái tên mới ở V-League. Trước họ, đã từng có XM.Hải Phòng, V.Ninh Bình. Tại sao XT.Sài Gòn và Navibank Sài Gòn lại chơi trội trong khi những “đại gia” quen mặt như Hà Nội T&T, V.Ninh Bình, HA.Gia Lai hay ĐT.Long An lại im lìm đến vậy?

HA.Gia Lai, ĐT.Long An thực ra đã im hơi lặng tiếng từ vài mùa nay. Gỗ giờ chăm đầu tư vào bóng đá trẻ, trong khi ĐT.Long An không muốn chạy theo cuộc đua tiền. Một câu hỏi đặt ra là Navibank Sài Gòn hay Xuân Thành Sài Gòn còn “máu me” được đến khi nào? Chưa ai biết bộ đôi này có bao nhiêu tiền đổ vào bóng đá, nhưng có một điều chắc chắn, họ không thể cứ vô tư tiêu tiền mãi được.

Trước Navibank Sài Gòn hay Xuân Thành Hà Tĩnh đã từng có XM.Hải Phòng, V.Ninh Bình, Hà Nội T&T nổi hơn nhiều. Trước nữa, phải kể đến NH.Đông Á, Tôn Hoa Sen, Hàng không Việt Nam, Viettel. Nhưng giờ đây, những cái tên kia đã ở đâu? NH.Đông Á, Tôn Hoa Sen, Hàng không Việt Nam và rất nhiều Mạnh Thường Quân khác đã tháo chạy. Gần nhất là XM.Hải Phòng. Đang ngon trớn, doanh nghiệp này đá quả bóng sang Tổng công ty xi măng Việt Nam và đứng ngoài cuộc chơi. Dĩ nhiên, trước khi tháo chạy, thương hiệu XM.Hải Phòng đã nổi như cồn…

XM.Hải Phòng, NH.Đông Á… trước khi tháo chạy, đã tạo nên cơn sốt đọ tiền bằng những bản hợp đồng tiền tấn. Những bản hợp đồng đó tạo thành tiền lệ buộc những cái tên mới như Navibank hay Xuân thành Sài Gòn phải đua theo. Khi nào Xuân thành và Navibank Sài Gòn chán bóng đá? Chưa có câu trả lời nhưng có một điều chắc chắn là giá trị cầu thủ Việt Nam đang chạy theo hứng thú của các ông “bầu”… Sự im ắng của những đội bóng từng được xem là “đại gia” có phải là biện pháp ứng phó thời “bão giá” hay nó là tín hiệu báo hiệu sẽ có thêm những cuộc tháo chạy mới của những Mạnh Thường Quân khỏi bóng đá Việt Nam?


Tường Khôi

Tin cùng chuyên mục