Nếu như mùa bóng trước, hễ có ca nhiễm nào thì CLB ấy… phát hoảng, khả năng phải truy vết để tìm nguồn lây, kể cả cách ly trường hợp F1. Như trường hợp SLNA, khi báo lên VFF, VPF là trong đội có ca F1 thì trận đấu có đội này đã hoãn, sau đó không lâu là V-League 2021 bị hủy. Nhưng nay, trong tình hình mới, khi tất cả đã được phủ các mũi tiêm vaccine thì giới bóng đá đã nhanh chóng thích nghi với tình hình mới.
Đến nay, hầu như các đội đều đã có ca mắc Covid-19, không chỉ là 1 hay 2 ca mà có đội lên đến hơn 20 ca, thậm chí có cầu thủ đã 2 lần dương tính với SARS-CoV-2. Nhưng giải vẫn tiến bước theo như điều lệ đã cùng thống nhất từ đầu. Quả bóng V-League 2022 không thể ngừng lăn, tất cả cùng thích ứng để vượt qua. Dĩ nhiên là có những trường hợp bất khả kháng như Thanh Hóa và Hà Nội khi cả 4 thủ môn theo danh sách đăng ký đều không thể ra sân, còn lại cứ theo thỏa thuận, điều lệ thống nhất là có tối thiểu 14 cầu thủ không mắc Covid-19 thì cứ ra sân tranh tài.
Ban đầu có những tâm lý lo ngại dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cầu thủ, hay suy nghĩ tiêu cực là CLB sẽ tìm cách để trì hoãn, tạo “dương tính giả” để không phải thi đấu khi lực lượng nhiều trụ cột bị mắc Covid-19 sẽ làm cho đội hình suy yếu. Nhưng đến nay, những lo ngại ấy đã không xảy ra khi BTC đã có được sự hợp tác nhiệt tình từ phía các CLB. Có đội không cần chờ phía BTC cử đại diện giám sát cuộc xét nghiệm nhanh 24 giờ trước trận đấy mà họ chủ đội xét nghiệm cả PCR cho toàn đội. Hay như Topenland Bình Định, Thanh Hóa dù có đến 2/3 cầu thủ bị mắc Covid-19 ở vòng đầu tiên, nhưng tất cả đã nỗ lực tập luyện, phục hồi nhanh để thi đấu đầy cống hiến ở vòng tiếp theo.
Mùa bóng 2022, hay nói đúng hơn là giai đoạn mới với nhiều thử thách đến với bóng đá Việt Nam. Điều đáng mừng là trong hoàn cảnh khó khăn ấy, các đội đã và đang nỗ lực vượt qua để cùng đưa bóng đá Việt Nam tiến bước.