“Nói đến bóng đá chuyên nghiệp là nói đến tiền”, nếu hỏi 100 ông đang điều hành bóng đá Việt thì chắc chắn sẽ nhận 100 câu trả lời “cửa miệng” ấy. Nhưng nếu hỏi thêm “kiếm tiền bằng cách nào”, theo chúng tôi, có lẽ chưa quá 10 người biết câu trả lời.
Tiêu ngàn tỷ, lãi… 4 tỷ
Để có các trận bóng tại V-League thì phải có các CLB, trung bình mỗi năm, mỗi CLB phải dùng 40-50 tỷ đồng để có thể thi đấu. Như vậy, có thể nói khoản đầu tư cho V-League lên đến ngàn tỷ đồng nhằm cho ra các “sản phẩm” là những trận cầu để qua đó, bán lấy tiền. Theo báo cáo tài chính của Công ty VPF, đơn vị được giao quyền kinh doanh, điều hành thì mỗi năm lãi khoảng 4 tỷ đồng.
Có lãi là vui? Không hẳn thế. Trung bình mỗi năm VPF chỉ thu về trên dưới 80 tỷ đồng, đó là “tất tần tật” bao gồm các những khoản tiền niên liễm, tiền phạt chứ nếu tính riêng tiền kinh doanh bản quyền V-League thì chỉ chừng 60 tỷ đồng. Một con số thu quá khiêm tốn, nếu không nói là “thất bại thảm hại” về phương diện kinh doanh so với tổng đầu tư của nền bóng đá.
Còn nữa, mang tiếng là có lãi nhưng thực tế thì con số 4 tỷ đó chia được cho các CLB bao nhiêu? Đành rằng các CLB được phép kinh doanh riêng nhưng xin nhớ là bản quyền truyền hình, những vị trí đẹp nhất về quảng cáo trên sân, các hoạt động dịch vụ trong thời gian diễn ra trận đấu đều thuộc về VPF. Nếu chúng ta đặt mình vào vị trí các CLB thì sẽ cảm thấy thế nào khi mỗi năm chỉ được nhận vài trăm triệu đồng cho cái gọi là “lợi tức” trong khi họ vẫn phải đóng tiền niên liễm. Việc nhiều CLB chây ì đóng tiền hẳn có lý do. Ngày trước, đóng tiền là để được đá bóng. Bây giờ, cũng phải đóng tiền để được đá bóng nhưng lại chẳng giữ được bao nhiều quyền hạn trên sân vận động của mình cả, thế thì “lên chuyên nghiệp làm gì”?
Khổ hơn thời bao cấp
Thời bao cấp, cầu thủ đá bóng có lương không cao nhưng chẳng thiếu các khoản “lót tay”. Đó có thể là tiền, có thể là một suất biên chế sau thi đấu, thậm chí có thể là một miếng đất đẹp nếu cam kết cống hiến trọn đời cho địa phương. Nói cách khác, cứ đá tốt thì cũng sẽ được quyền lợi, đôi khi chưa hẳn nhận tiền nhiều đã tốt hơn.
Thời bao cấp, kinh phí thi đấu không quá xông xênh nhưng chẳng phải lo. Vì là đội bóng của địa phương nên kiểu gì cũng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo cầm lá thư tay đi một vòng các doanh nghiệp cũng “đủ sở hụi”. Vào giải, cứ đá hay thì sẽ có thưởng từ lãnh đạo và mạnh thường quân. Cuối giải, tùy vào chỉ tiêu đăng ký sẽ nhận được thêm tiền thưởng từ ngân sách.
Trong khi đó, dù mang tiếng bóng đá chuyên nghiệp nhưng hiện nay, đa số các CLB vẫn phải “ngửa tay xin tiền” từ ngân sách. Thế mới có chuyện nhiều đội rất bực mình vụ bầu Đức tuyên bố chỉ cần 15 tỷ là đủ đá V-League.
Một đội bóng nằm ngay vùng lõi của các khu công nghiệp lớn nhất cả nước như Đồng Nai mà vẫn thiếu tiền. Ảnh: Dũng Phương
Vì VPF không làm ra tiền nên mới có chuyện các CLB nếu xuống hạng thì thường giải tán. Sau khi trải qua V-League, họ hiểu rằng nó chẳng có gì tốt đẹp, chỉ thêm tốn kém mà thôi. Còn đá V-League thì còn có cớ đi xin tiền, rớt xuống hạng Nhất thì coi như trắng tay. Thời bao cấp, dù ở hạng nào thì địa phương cũng sẽ phải “nuôi” nhưng khi chuyển thành chuyên nghiệp, phần “cứng” này chỉ chiếm khoảng 20%, khi xuống hạng thì đâu còn cơ hội để vận động doanh nghiệp tài trợ nên thà giải tán còn hơn lay lắt qua ngày.
Không tiền, đừng nói chuyên nghiệp
Không phải tự nhiên mà 4 mùa bóng vừa qua, giải hạng Nhất chỉ có 8 đội chứ không tăng thêm. Người ta buộc phải thực hiện biện pháp cơ học đó là đôn thêm số đội từ hạng Nhì lên, ai cũng biết đó là một cách “tự sát” bởi chất lượng hạng Nhất chỉ tốt hơn nếu có các đội từ V-League xuống chứ từ bên dưới lên càng nhiều chỉ càng tệ hơn mà thôi.
Người ta phấn đấu lên hạng cốt là để tìm nhiều lợi ích hơn như không phải để “rước khổ vào thân”. Một đội bóng nằm ngay vùng lõi của các khu công nghiệp lớn nhất cả nước như Đồng Nai mà vẫn thiếu tiền thì đúng là chuyện “quá cám cảnh”. V-League mỗi mùa đón hơn 1 triệu lượt người xem, thêm vài triệu khán giả truyền hình, ấy thế nhưng tổng nguồn thu từ quảng cáo mà Công ty VPF có được lại chưa bằng một tháng chạy TVC trên truyền hình của một doanh nghiệp nội địa lớn.
Ai cũng nói: “Bóng đá chuyên nghiệp phải có tiền”, thế nhưng khi không làm ra tiền, cũng chẳng ai bàn đến chuyện xem thử bóng đá Việt Nam đang là chuyên nghiệp theo kiểu nào.
HỒ VIỆT