Cuộc đua đến ngôi vị “Vua phá lưới” giữa các cây săn bàn luôn được chờ đợi ở bất cứ giải đấu nào và V-League 2014 cũng không phải ngoại lệ. Trong ngày đầu năm 2014, cùng SGGP Thể thao điểm qua những tiền đạo đang được kỳ vọng nhất ở mùa giải năm nay.
Theo nhận định của giới chuyên môn, danh hiệu “Vua phá lưới” ở V-League 2014 nhiều khả năng sẽ tiếp tục là cuộc chạy đua giữa các chân sút cựu trào, từng khẳng định được mình trong quá khứ chứ khó có những “luồng gió mới”.
Người đầu tiên được nhắc đến sẽ là Hoàng Vũ Sơn, tiền đạo vừa có quốc tịch Việt, mang tên Việt và sẽ thi đấu cho HN T&T. Mùa trước, Hoàng Vũ Sơn còn mang tên Samson, thi đấu với tư cách cầu thủ ngoại và vào giờ chót cùng đoạt ngôi “Vua phá lưới” với tiền đạo Gonzalo.
Hòa cùng niềm vui được mang quốc tịch mới, lại sắp đón thêm đứa con thứ 2 với người vợ Việt Nam, Hoàng Vũ Sơn được kỳ vọng sẽ tiếp tục cùng với người đồng đội Gonzalo giúp HN T&T bội thu bàn thắng.
Ngoài bộ đôi tiền đạo của HN T&T, V-League 2014 nhiều khả năng sẽ chào đón sự trở lại của “bò mộng” Timothy. Timothy là người ghi nhiều bàn thắng nhất ở mùa giải 2012 với 17 lần làm tung lưới đối phương.
Tuy vậy, mùa giải vừa qua cầu thủ này không nhận được sự hợp tác của đồng đội do cá tính đặc biệt của mình, chỉ ghi được 3 bàn thắng cho V.Ninh Bình. Rất khó khăn mới tìm được đội bóng mới là HAGL, Timothy tự nêu tôn chỉ sẽ thi đấu nghiêm túc hơn và đặt trách nhiệm công việc lên trên hết.
Cầu thủ này cho biết sẽ “mở lòng” hơn với các đồng đội ở trên sân cũng như trong sinh hoạt bên ngoài sân cỏ. Một khi đã tự giải thoát cho mình về tinh thần, Timothy với nền tảng thể lực sung mãn, lại được “tiếp đạn” bởi tiền vệ tấn công đồng hương Felix phía sau chắc chắn sẽ là mối đe dọa rất lớn cho các thủ môn và hàng phòng ngự của các đối thủ.
Là “sát thủ” số 1 ở V-League trong những năm gần đây, nhưng Gaston Merlo đang có dấu hiệu chững lại. Tuổi tác đã bắt đầu dày hơn và những chấn thương liên tiếp thường là rào cản của Merlo ở mùa giải trước.
Chính vì vậy, mùa giải này Gaston chắc chắn sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để tìm lại chính mình. Nếu được đồng đội “làm bóng” cho và duy trì được nền tảng thể lực tốt, Gaston với bản năng “sát thủ” cũng sẽ là ứng viên hàng đầu cho danh sách những tay săn bàn tốt nhất V-League 2014.
Ngoài những cái tên kể trên, những chân sút như Abass của B.Bình Dương, Sunday của Thanh Hóa, Patiyo của V.Ninh Bình hay Gilson của ĐTLA được xếp vào diện những ứng viên tiềm tàng. Trong đó, những cầu thủ được thi đấu ở một tập thể chất lượng hơn như Abass hay Sunday có nhiều lợi thế hơn.
Bên cạnh đó, do nhiều đội bóng vẫn chưa tìm được tiền đạo ngoại nên còn phải chờ những “luồng gió mới”. Những cái tên như Yahaya, Henry của QNK Quảng Nam hay Luiz Henrique của Đồng Nai bước đầu đã khẳng định được chất lượng của mình. Ngoài ra, cũng phải kể đến những chân sút nội như Công Vinh của SLNA (13 bàn ở V-League 2013), Văn Quyết (HN T&T) hay Hồng Quân của Thanh Hóa…
TUẤN NGUYỄN
V-League giá bao nhiêu?
Hỏi như vậy là bởi, muốn bán cái gì thì chí ít người bán cũng phải biết sản phẩm của mình có giá bao nhiêu.
Nhiều năm trước khi về tay VPF, bộ phận kinh doanh của VFF từng “án chừng” V-League có giá khoảng 100 tỷ đồng. Tất nhiên là VFF đã không thu được đến phân nửa con số đó nên mới chuyển giao cho VPF. Những ông bầu sáng lập công ty này ngay lập tức, cũng định giá 100 tỷ, thậm chí bầu Đức còn tính đến 150 tỷ đồng tiền doanh thu.
Nhưng đến bây giờ, chuyện tính giá trị V-League lại không còn được nói đến. Nguồn thu của giải đấu số 1 Việt Nam này vẫn chỉ đến theo kiểu góp nhặt từng chút rồi cộng dồn cuối năm thay vì phải định ra doanh thu rồi lên phương án khai thác.
Thế mới có chuyện, sắp vào giải rồi mà hình ảnh của V-League cứ nhạt nhòa. Bầu không khí háo hức đón chờ mùa bóng mới là không có dù đã mất đến hơn 4 tháng nghỉ thi đấu. Đây là điều bất thường đối với một nền bóng đá bởi nói gì thì nói, V-League có ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động giải trí của xã hội suốt một thời gian dài.
Vì sao không thể định được giá của V-League? Hồi còn VFF, đã không có bộ phận chuyên trách cho việc này, sang đến VPF, hình như bộ phận quan trọng bậc nhất này cũng có. Một khi anh không biết được mình có cái gì, cái nào bán, cái nào “khuyến mãi”, “giá bán” mỗi cái là bao nhiêu và cần làm gì để tăng giá bán, thì làm sao biết được mình sẽ thu về bao nhiêu tiền.
Đáng tiếc là 10 năm trước, đơn vị kinh doanh thương quyền V-League là Công ty Đất Việt đã bỏ ra một khoản phí lớn để điều tra thị trường, xây dựng một loạt chương trình đồng hành trên truyền hình, tổ chức hàng chục sự kiện tại các sân bóng, để từ đó định ra giá trị thật của V-League vào khoảng… 30 tỷ đồng. Nếu phát huy cách làm ấy, nếu tính cả lạm phát và trượt giá, biết đâu giờ này V-League đã có giá gấp 10 lần cũng nên…
Đăng Linh