Nếu là một tay vợt khác, kết quả có thể đã trở thành 0-3, sau khi bị dẫn đến 0-2 chỉ sau 2 ván đấu mở màn. Nếu là một tay vợt khác, có thể đã thua luôn 3-6 trong ván đấu thứ 5 quyết định. Nếu là… Không có nếu gì cả ở đây. Tất cả mọi đã chuyện xảy ra đều có lý do của nó, còn muốn dùng từ “Nếu”, sẽ phải dẫn dắt cả việc “Nếu có Federer và Nadal tham gia”, hay “Nếu Djokovic không bị BTC loại khỏi giải”. Mọi thứ đã diễn ra, đơn giản vì: “Thời thế thế, thế thời phải thế”. Sau 3 lần thua ở chung kết Grand Slam, Thiem đã vượt qua thách thức ở lần góp mặt thứ 4.
Giành chiến thắng đầy kịch tính với điểm số 2-6, 4-6, 6-4, 6-3 và 7-6 (8-6), Thiem không chỉ trở thành tay vợt thuộc lứa sinh ra trong thập niên 1990 đầu tiên (anh sinh năm 1993) giành danh hiệu Grand Slam đơn nam, anh còn là người đầu tiên trong kỷ nguyên mở giành chiến thắng ở trận chung kết của US Open trong tư thế “xoay lưng với vực thẳm”, khi bị dẫn trước 2 ván đầu tiên. Nhưng đối mặt anh vẫn là một Alexander Zverev quá thất thường, mới lần đầu góp mặt ở một trận chung kết Grand Slam, thế nên, Thiêm đã thắng, bằng cả bản lĩnh cộng may mắn.
Tuy là người đầu tiên giành chiến thắng ngược dòng sau khi để thua trước 2 ván đấu mở màn ở chung kết US Open thời kỷ nguyên mở, nhưng xét theo chiều dài lịch sử nói chung, thì Dominic Thiem mới chỉ là người thứ 2 làm được điều này. Ngược dòng quá khứ, hồi năm 1949, khi giải đấu còn mang tên là U.S. National Championships, Pancho Gonzales đã ngược dòng đánh bại Ted Schroeder với điểm số 6-1, 6-2, 6-4 sau khi để thua 2 ván mở màn với điểm số là 16-18 và 2-6. Hồi năm 1942, cũng chính Schroeder từng dẫn trước Frank Parker 8-6 và 7-5 ở trong trận đấu chung kết, trước khi bị gỡ hòa khi để thua 3-6 và 4-6. Tuy vậy, trong ván đấu quyết định, Schroeder đã thắng chung cuộc với điểm số là 6-2. |
“Chúng tôi bắt đầu biết nhau từ năm 2014 và ngay lập tức đã phát triển thành tình bạn thân rất thân… rồi sau đó là đại kình địch của nhau”, Thiem kể về mối quan hệ giữa anh với “bại tướng” Zverev, “Cùng với nhau, chúng tôi tạo ra những điều tuyệt vời ở cả trong lẫn ngoài sân đấu. Chuyến hành trình xa thật xa đầy tuyệt vời của chúng tôi, đã mang chúng tôi đến đây, để cùng nhau sẻ chia cái khoảnh khắc này. Tôi ước, chúng ta có 2 người giành được chiến thắng ở trong ngày hôm nay. Cả 2 chúng tôi đều xứng đáng giành được chiến thắng”.
Với danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp, và là tay vợt thuộc lứa “Next Gen” đầu tiên giành được Grand Slam, liệu đó sẽ là sự “đột phá bình cảnh” trong sự nghiệp của “Hoàng tử sân đất nện” nay đã trở thành “Nhà Vua của New York”? Đó là điều mà Thiem rất mong chờ, và kỳ vọng: “Tôi mong chờ là, với danh hiệu này, với tôi, sẽ là dễ dàng hơn khi bước đến các giải đấu lớn khác. Trong đầu tôi luôn tồn tại cái suy nghĩ là, tôi sẽ có một sự nghiệp tuyệt vời, theo cái cách còn tốt hơn tôi hằng mơ, nhưng cho đến thời điểm này, mục tiêu lớn đó vẫn chưa thành. Nhưng với danh hiệu này, tôi hy vọng rằng sẽ cảm thấy thoải mái hơn và thi đấu thanh thoát hơn ở các giải đấu lớn ở phía trước”.
Thiem nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng của ngôi vô địch ở US Open: “Đây chắc chắn là một mục tiêu của đời người, một giấc mơ, mà tôi đã có trong nhiều năm trời. Trở về thời quá khứ, khi tiến gần với tốp đầu, tôi nhận ra rằng, có lẽ một ngày nào đó, tôi sẽ giành được 1 trong 4 danh hiệu lớn. Cơ bản, tôi đã cống hiến cả cuộc đời mình cho các khoảnh khắc này, khi giành được 1 danh hiệu Grand Slam. Giờ đây, tôi đã thành công. Chiến thắng này không chỉ dành cho bản thân tôi, mà còn cho đội của tôi và gia đình của tôi, một thành tựu vĩ đại. Hôm nay là cái ngày tôi trả nợ rất nhiều cho những gì những người thân cận đã hy sinh vì tôi”.