Ứng xử với U.19

Thất bại 0-3 của U.19 Việt Nam trước U.19 Nhật Bản không có gì bất ngờ, thậm chí tỷ số đó có phần nhẹ từ đối thủ vốn là làng cầu số 1 châu lục. U.19 Việt Nam kết thúc vòng chung kết châu Á với mục tiêu cao nhất đã hoàn thành là có tấm vé lịch sử dự U.20 World Cup.

Nhưng chính thất bại trước U.19 Nhật Bản đã cho thấy khoảng cách giữa 2 nền bóng đá còn rất xa và so với những châu lục khác trên thế giới tại U.20 World Cup, chắc chắn còn lớn hơn nữa. Chính vì vậy, cách chúng ta ứng xử với thành công của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn mới quan trọng hơn là đoán già đoán non về triển vọng tại U.20 World Cup năm sau.

Đội tuyển futsal Việt Nam sau khi đoạt vé dự World Cup cũng từng bị nghi ngờ như vậy, nhưng với sự đầu tư mạnh qua các chuyến tập huấn, thi đấu với các đối thủ hàng đầu thế giới nên đến World Cup chúng ta đã có 1 trận thắng lịch sử. Với U.19 Việt Nam cũng vậy, nếu không đầu tư ngay từ bây giờ thì sẽ khó có kỳ tích tại World Cup, sân chơi mà sự may mắn rất ít tồn tại.

Nếu không đầu tư ngay từ bây giờ thì Việt Nam khó có kỳ tích tại U.20 World Cup 2017

Tuy nhiên, đã có vài thông tin cho biết U.19 hiện nay sẽ được đầu tư cho… SEA Games 2019. Nếu đây là quan điểm của VFF thì thật đáng tiếc, bởi cách đây 2 năm, đội U.19 Việt Nam với nòng cốt là Học viện HA.GL - Arsenal đã được đầu tư gần 10 tỷ đồng, thi đấu hàng chục trận tại châu Âu, thậm chí tổ chức hẳn một giải quốc tế để rèn luyện nhằm chuẩn bị cho vòng chung kết U.19 châu Á - sân chơi mà U.19 hiện nay “âm thầm” có mặt rồi tạo nên kỳ tích. Vậy mà khi cần một sự chuẩn bị lớn hơn, thì lại chẳng thấy ai nhắc gì đến chuyện đầu tư cho U.20 World Cup mà lại đề cập đến SEA Games còn 3 năm nữa mới diễn ra.

Cách chúng ta ứng xử với 2 đội U.19 ở 2 giai đoạn khác nhau cho thấy tư duy làm bóng đá của các nhà quản lý cần phải thoáng đạt hơn.

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục