Vậy, UEFA kiếm tiền từ EURO 2024 như thế nào? Và tổ chức quyền lực này tiêu tiền từ “sản phẩm” mà họ chào bán ra sao?
Doanh thu của EURO 2024 đến từ đâu?
Không cần phải bình bán gì thêm về độ hấp dẫn và cuốn hút của EURO, một sân chơi quy tụ nhiều cầu thủ lẫn HLV xuất sắc nhất của bóng đá đương đại. Chính chất lượng chuyên môn cao cùng sự kịch tính trong từng pha bóng đã biến EURO trở thành một sự kiện quốc tế lớn, với hàng triệu người trên toàn cầu muốn xem.
Cùng với việc được tổ chức tại nước Đức, cường quốc bóng đá tại châu Âu, EURO 2024 mang đến phạm vi tiếp cận và giá trị to lớn với các hãng truyền thông. Điều đó có nghĩa là việc bán bản quyền để phát sóng trực tiếp các trận đấu trên truyền hình hay những nền tảng khác chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng thu nhập của giải đấu.
Theo UEFA, giá trị bản quyền truyền thông của EURO 2024 dự kiến sẽ vượt mốc 1,135 tỷ euro của EURO 2020.
Sức hấp dẫn toàn cầu của EURO cũng là động lực chính cho một nguồn doanh thu lớn khác trong việc “lôi kéo” các nhà tài trợ. Bằng cách mang đến cho các nhãn hàng cơ hội tiếp xúc với hàng triệu người hâm mộ, EURO 2024 thu hút nhiều công ty và thương hiệu lớn trên thế giới đồng hành như: Alipay+, Booking.com, Coca-Cola, Unilever...
Bán vé cùng việc tạo ra những “sản phẩm ăn theo” EURO cũng là một nguồn thu chính khác của giải đấu năm nay. Nhu cầu hơn 2.5 triệu vé xem các trận đấu vô cùng lớn. Nguồn thu từ mỗi tấm vé đó, cũng như doanh số bán hàng phục vụ cho các CĐV đã giúp trang trải chi phí tổ chức giải đấu.
UEFA cũng cấp phép “nhượng quyền thương mại” cho các công ty để sản xuất hàng hóa chính thức của giải đấu đóng vai trò là một nguồn thu nhập chính khác. Người hâm mộ thưởng thức các trận đấu ở bất cứ địa điểm nào đều có thể đón nhận tinh thần EURO bằng việc mua những sản phẩm như thức ăn, đồ uống, nhãn dán, áo quần, đồ lưu niệm... có thương hiệu chính thức của giải đấu.
UEFA tiêu tiền kiểu gì?
Để trả lời được câu hỏi thì hãy đến với chương trình “UEFA Hat-trick”, dự án mà UEFA phân bổ phần lớn doanh thu ròng từ EURO để phát triển bóng đá trên toàn “lục địa già”.
“UEFA Hat-trick” là động lực chính cho mục tiêu của UEFA nhằm biến sự hào hứng của một giải đấu kéo dài một tháng thành một di sản lâu dài, không chỉ ở các nước chủ nhà mà còn trên toàn bộ nền bóng đá và xã hội châu Âu. Kể từ năm 2004, “UEFA Hat-trick” đã phân bổ trung bình 2/3 doanh thu ròng của mỗi kỳ EURO, để tài trợ cho các dự án phát triển ở tất cả 55 hiệp hội thành viên.
Nguồn tiền kiếm được từ EURO được UEFA phân bổ trở thành một lợi ích rất lớn, chạm tới mọi cấp độ trong kim tự tháp bóng đá của từng quốc gia. Ở địa phương, nó trả tiền cho các sân nhỏ, phát triển CLB, đào tạo HLV nghiệp dư, bóng đá học đường và vô số sáng kiến cấp cơ sở khác giúp nhiều người có cơ hội tham gia vào các giải bóng đá bất kể khả năng, tuổi tác, giới tính hay sắc tộc.
Trên toàn quốc, nó cho phép các hiệp hội cải thiện cơ sở hạ tầng bóng đá và đầu tư vào các cầu thủ, HLV, trọng tài và đội ngũ điều hành, những người sẽ sử dụng cơ sở vật chất mới.
Với riêng EURO 2024 được UEFA kỳ vọng để lại một di sản bóng đá lâu dài trên khắp lục địa bằng cách phân bổ số tiền kỷ lục 935 triệu euro cho các hiệp hội, để tiếp tục xây dựng hơn 800 dự án đã được thực hiện sau 20 năm “UEFA Hat-trick” ra đời.
Tiền thưởng cho các đội tuyển tham dự EURO 2024 cùng lợi ích cho các CLB có cầu thủ đến Đức tranh tài cũng được UEFA lấy từ nguồn thu của giải đấu để chi trả.
Cụ thể, UEFA trích 331 triệu euro tiền thưởng. Trong đó, mỗi đội tuyển giành quyền góp mặt tại EURO 2024 được nhận 9,25 triệu euro (tổng 24 đội là 331 triệu euro). Số tiền 109 triệu euro còn lại được phân bổ theo thành tích của từng đội tuyển tại giải đấu. Cộng lại các con số thì đội vô địch tích lũy đến 28,5 triệu euro tiền thưởng,
Trong khi UEFA sẽ để ra khoảng 240 triệu euro để trả cho các CLB tại châu Âu. Công thức được tính: Số lượng cầu thủ góp mặt ở đội tuyển và số ngày thi đấu của cầu thủ tại giải. Điều này chính là ghi nhận của UEFA khi các CLB đã tạo điều kiện cho cầu thủ của họ khoác áo các đội tuyển, để đóng góp vào thành công chung của sân chơi.