Tương lai nào đây?

Còn vài ngày nữa diễn ra vòng chốt hạ V-League 2014, mùa giải theo lời một quan chức VFF là “đầy sóng gió”. Chắc chắn với trách nhiệm của mình, VFF phải nỗ lực nhiều trong mùa bóng tới. Tuy vậy, ở bối cảnh hiện nay, bức tranh sáng sủa cho bóng đá nội không lấy gì chắc chắn.

Sở dĩ nói bóng đá Việt Nam ít nhất là trong vài năm nữa vẫn khốn khó không chỉ bởi tình hình chung. Cái chính là lòng tin của nó với người hâm mộ, nhà đầu tư đã bị mất quá nhiều. Nói đâu xa, chỉ trong năm 2014 đã xảy ra 2 vụ tiêu cực ở đội V.Ninh Bình và Đồng Nai, giống như cái tát thẳng tay vào chút niềm tin còn sót lại với những ai yêu bóng đá trong nước.

Mùa bóng tới đây theo dự kiến sẽ có 14 CLB dự V-League và 10 đội đá hạng Nhất cho đẹp đội hình. Nhưng đa số các đội bóng vẫn phải sống chật vật, không chỉ do việc làm ăn ngày một khó khăn mà quan trọng là các sự cố tiêu cực dồn dập sẽ tác động không nhỏ đến ý tưởng đầu tư thêm vào bóng đá từ phía doanh nghiệp.

Tương lai nào đây? ảnh 1

Uy tín của bóng đá Việt Nam đã phần nào bị ảnh hưởng bởi hành động của các cầu thủ V.Ninh Bình và Đồng Nai (Mạnh Dũng và Hữu Phát). Ảnh: Dũng Phương

Điều này giống với phát biểu của Chủ tịch VFF mới đây là ở V-League không hẳn chỉ một mình đội Đồng Nai làm bậy. Như vậy, con số đội bóng dính dáng tiêu cực sẽ nhiều hơn. Dĩ nhiên đó là cái khó cho doanh nghiệp khi quyết định kéo dài thời gian đầu tư vào bóng đá hay lựa chọn CLB nhằm tài trợ, bởi bóng đá nội giờ chẳng biết đâu thật, đâu giả.

Trong một lần chia sẻ với báo chí, nhiều doanh nghiệp than thở là trong số các nhà tài trợ hiện nay ở V-League và cả hạng Nhất, không phải ai cũng hào hứng chuyện đầu tư vào bóng đá trong nước. Vậy mà vẫn móc tiền cho bóng đá theo kiểu bánh ít đi, bánh quy lại, vì mối quan hệ làm ăn với địa phương cùng những con tính đường xa. Thậm chí là có doanh nghiệp than thở khi bị ông bí thư hay chủ tịch tỉnh buộc “làm” bóng đá cùng địa phương, do doanh nghiệp nằm trên địa bàn mình quản lý. Rõ ràng là trong hoàn cảnh lúc này, việc ôm thêm trái bóng khiến nhiều công ty méo mặt nhưng ráng gượng cười, bởi những dích dắc phía sau đó nữa.

V-League còn vài ngày nữa là đủ 14 tuổi. Song, không thể không giật mình khi nhìn lại với quãng thời gian dài đó nhưng các đội bóng của ta vẫn phải bám vào bầu sữa doanh nghiệp. Chứ không thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân như nhiều quan chức VFF vẫn hay “tự sướng” với 2 chữ chuyên nghiệp.

Về phía giải đấu cũng chẳng hơn gì, khi cứ phải thay đổi xoành xoạch nhà tài trợ, từ Strata (2000 - 2002), Sting (2003), Kinh Đô (2004), Number One (2005), Eurowindow  (2006), cho đến Petro Vietnam Gas (2007 - 2010) và Eximbank trong vài mùa bóng gần đây và tất cả đều than lỗ nặng.

Đáng nói là gói tài trợ Eximbank có được một phần cũng nhờ “người nhà” của mình góp chân trong đó. Và bây giờ thì doanh nghiệp này cũng chỉ ký hợp đồng từng năm một chứ không dài hạn nên không thể dửng dưng. Còn phía dư luận vốn đã quá mỏi mệt với V-League ở mùa bóng 2014 kèm theo bao rắc rối, và giờ trông đến tương lai thì cũng chẳng tươi tắn gì. Đúng là bóng đá Việt Nam nhìn đâu cũng thấy lo.

ĐỨC DŨNG

Tin cùng chuyên mục