Từ V-League đến... sân Mỹ Đình

Câu chuyện tưởng chừng “bé cỏn con” trong một thương vụ trị giá cả trăm tỷ đồng lại trở thành đề tài của một số tờ báo lá cải tại nước Anh xa xôi quả là một câu chuyện không vui vẻ gì nữa đối với bóng đá Việt Nam. “Chuyện bé, xé ra to”, tranh cãi tiền thuê sân nhanh chóng được thế giới biết đến là khả năng một thương vụ du đấu của Arsenal bị hủy vì …tiền.
Từ V-League đến... sân Mỹ Đình

Câu chuyện tưởng chừng “bé cỏn con” trong một thương vụ trị giá cả trăm tỷ đồng lại trở thành đề tài của một số tờ báo lá cải tại nước Anh xa xôi quả là một câu chuyện không vui vẻ gì nữa đối với bóng đá Việt Nam. “Chuyện bé, xé ra to”, tranh cãi tiền thuê sân nhanh chóng được thế giới biết đến là khả năng một thương vụ du đấu của Arsenal bị hủy vì …tiền.

Quang cảnh sân Mỹ Đình. Ảnh: Quang Minh

Quang cảnh sân Mỹ Đình. Ảnh: Quang Minh

Thật ra, bản chất của vấn đề không khó để nhận thấy: đấy là việc các nhà quản lý thể thao Việt Nam cứ nhìn các doanh nghiệp đang đầu tư vào bóng đá như một cái “mỏ vàng”, muốn khai thác bao nhiêu cũng được. Những câu chuyện như vụ thuê sân Mỹ Đình này có thể tìm thấy dễ dàng tại sân chơi bóng đá chuyên nghiệp, ở cái thời mà bóng đá Việt Nam mở cửa tứ tung cho các doanh nghiệp nhảy vào để rồi “tận thu” đến mức cùng kiệt để bây giờ, nhắc đến bóng đá nhiều doanh nghiệp cứ “sởn cả da gà”.

Tất nhiên là trong câu chuyện này, cũng có một phần lỗi của các doanh nghiệp xem bóng đá như một “món hàng”, đầu tư xong, đạt mục đích thì “vứt” lại bỏ đi. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, đa số các nhà quản lý thể thao tại Việt Nam lại luôn nhầm lẫn giữa “xã hội hóa” và “kinh doanh”. Ban đầu thì tìm đủ mọi cách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tài trợ bóng đá, nhưng sau đó, lại quên mất thiện chí ấy, lại nhìn doanh nghiệp như một “mỏ vàng” để khai thác thay vì tìm cách giữ họ lại để đầu tư dài hơi.

o 0 o

“Đồng tiền đi liền khúc ruột”. Đã là kinh doanh, dù tài trợ để quảng bá thương hiệu thì cũng phải tính toán thiệt hơn. Những nhà tổ chức trận đấu Việt Nam - Arsenal có thể bỏ cả trăm tỷ đồng cho thương vụ này nhưng họ cũng có thể phải tính chi li từng trăm triệu cho mỗi khoản chi phí. Không thể nói rằng số tiền 1,5 tỷ là ít hay nhiều đối với các nhà tổ chức mà phải xét đến hoàn cảnh, tính chất của trận đấu. Việc “kỳ kèo” này để lộ ra ngoài khiến giới truyền thông nước ngoài có dịp “soi mói” và rốt cục, chẳng có ai được lợi. Các nhà tổ chức thì bị mang tiếng “chi li”, ban quản lý sân Mỹ Đình bị cho là “chặt chém” còn bóng đá Việt Nam thì đánh mất uy tín của mình.

Chúng tôi cho rằng, lỗi rất lớn ở các nhà quản lý thể thao tại Việt Nam khi luôn đánh giá những sự việc liên quan đến tài trợ theo kiểu của mình thay vì có cách nhìn dài hơi hơn, vì lợi ích của người hâm mộ hơn. Ví dụ như trong trường hợp của sân Mỹ Đình, họ có thể đưa giá thấp xuống nhưng đề nghị BTC có ưu đãi khác về doanh thu, thậm chí đề nghị các nhà tổ chức trích một phần tiền bán vé để cải tạo cơ sở vật chất. Nếu với cách làm đó, tiền thuê sân có thể chỉ vài trăm triệu như các trận đấu khác nhưng nguồn thu về để phục vụ lợi ích công sẽ có thể là 1 tỷ, 2 tỷ đồng nếu dựa trên sức hút của trận đấu.

Mặt khác, chúng tôi tin Eximbank, HAGL hoàn toàn đủ khả năng trả 1,5 tỷ đồng tiền thuê sân bởi so với doanh thu từ bán vé, đấy là chi phí không lớn lắm. Tuy nhiên, “cái nào ra cái đó”, nếu họ đã không xem đây là một thương vụ đem lại lợi nhuận trực tiếp thì họ có quyền yêu cầu các chi phí phải hợp lý. Tại sao họ có thể đàm phán được hoa hồng môi giới thấp nhất, hệ thống khách sạn và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm giá cho họ thì hà cớ gì lại để sân Mỹ Đình “hét giá” cao gấp nhiều lần so với bình thường. Ở góc độ kinh doanh, đấy đã là điều không thể chấp nhận được chứ chưa xét đến chuyện đây là một sự kiện mang tính lịch sử cho bóng đá Việt Nam…

Hồ Việt


Chờ Bộ VH-TT&DL phân xử

Tuyên bố của ông Cấn Văn Nghĩa đã… phủ nhận tất cả những tuyên bố trước đó của vị Giám đốc Khu LHTTQG. Nhất là thông tin Mỹ Đình “đòi chia cỗ” và cái giá 1,5 tỷ đồng chẳng phải gì cò kè. Tuy nhiên, khi đề cập đến lời khẳng định của VFF rằng, Mỹ Đình đã cố tình chặt chém, ông Cấn Văn Nghĩa thừa nhận rằng, ở Mỹ Đình chưa bao giờ có khung giá cho các sự kiện tổ chức tại đây. Ông Nghĩa nói: “Tới đây phải xây dựng khung giá để tránh những tranh cãi không đáng có”.

Phủ nhận của ông Cấn Văn Nghĩa khiến VFF… sôi ruột, đặc biệt là những người vừa đàm phán với đại diện của Mỹ Đình. Phó chủ tịch Nguyễn Lân Trung quả quyết, VFF không hề tưởng tượng ra mức giá “khủng” mà Mỹ Đình đang ép VFF thực hiện. Ông Trung nói: “VFF không tưởng tượng ra con số thuê sân như vậy”.

Theo ông Trung, trước cuộc làm việc giữa ông và ông Cấn Văn Nghĩa vào sáng 17-6, VFF đã có 2 lần làm việc với Mỹ Đình. “Ngày 10-6, Mỹ Đình đưa ra 3 điều kiện:1. Giá thuê sân 1,5 tỉ đồng. 2 - 300 giấy mời, và 3 là 50 % số chỗ ở các phòng doanh nhân khán đài A, như vậy là tổng cộng 500 giấy mời, tổng số tiền lên đến hơn 2 tỉ đồng chứ không phải 1,5 tỉ. Đến cuộc gặp gỡ sáng qua, 3 điều kiện của Mỹ Đình vẫn thế. Tôi đang có trong tay dự trù kinh phí của Khu LHTTQG cho trận này là hơn 1,6 tỷ đồng”, ông Trung nói.

Ông Trung cho hay, VFF chỉ đề nghị mức giá 600 triệu đồng, vì vậy, do chênh nhau quá xa nên VFF không thể đàm phán tiếp. “Tôi mang cả hạch toán lỗ lãi của VFF cho trận này, nhưng phía Mỹ Đình tuyên bố không cần xem. Có lẽ họ cũng biết VFF lỗ to rồi. Thế mà bảo không bàn, không biết gì là sao?”, ông Trung nói.

Được biết, trong sáng qua, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải đã có cuộc làm việc cùng Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ. Và ông Hải đã cho người đứng đầu VFF biết, một khi VFF và khu LHTTQG không thỏa thuận được, Bộ VH-TT&DL sẽ đứng ra giải quyết. Với tình thế hiện tại, xem chừng chỉ có Bộ VH-TT&DL mới đứng ra phân xử và phán xét thành công vụ thổi giá hy hữu?

Gia Minh

Tin cùng chuyên mục