Không giấu giếm, cũng chẳng phải cố nói tốt cho mình, Giám đốc điều hành Nguyễn Chí Kiên của CLB TPHCM đã nói thẳng “đội bóng đang trên tình trạng phá sản”. Phá sản tức là không thể hoạt động và như thế, nghĩa là sẽ có một đội bóng “phải chết”. Vấn đề không chỉ là “chết” hay “sống"…
CLB TPHCM là đội bóng lạ lùng bậc nhất Việt Nam. Đấy cũng là “nạn nhân” tiêu biểu nhất của kiểu bóng đá chuyên nghiệp nửa vời mà bóng đá Việt Nam đang tiến hành. Đội bóng có một truyền thống hào hùng bậc nhất, vì thế mà người ta cố gắng duy trì sự tồn tại của nó. Thế nhưng, nó lại luôn đứng bên bờ vực, rất gần với “cái chết”.
CLB TPHCM không giống các đội bóng địa phương khác, khi các ông bầu hay doanh nghiệp “chán chơi”, ít nhất thì các địa phương vẫn gồng gánh chi phí để nuôi dưỡng đội bóng. Trong khi đó, gần 5 năm qua, CLB TPHCM đang sống theo một cách mà chúng ta vẫn hay nghĩ về bóng đá chuyên nghiệp: tức là tự kiếm tiền nuôi bóng đá. Kết quả của sự tiến bộ ấy là gì: lây lất từ ngày này sang ngày khác. Giờ chỉ còn biết tuyên bố: chờ phá sản.
Đau không!
o0o
Tại sao một đội bóng đang đóng quân tại trung tâm kinh tế lớn nhất nước mà lại không hề tìm ra được một doanh nghiệp bảo trợ tài chính? Câu trả lời thật đơn giản: vì chẳng có lợi ích nào từ địa phương cả. Chuyện của CLB TPHCM cho chúng ta một sự thật: nếu chẳng có quyền lợi làm gì có chuyện doanh nghiệp sẽ gắn kết một cách lâu bền với bóng đá. Bóng đá Việt Nam đang sống, thở và ăn trên túi tiền của các ông bầu. Đối với một số doanh nghiệp, thậm chí bóng đá chỉ là một kiểu quảng bá tốn kém cho thương hiệu của mình không hơn không kém. Nói cách khác, chẳng có cái gì gọi là bóng đá chuyên nghiệp ở đây cả khi mà doanh thu của một CLB gần như là con số 0. Thế mới có chuyện các ông bầu VPF kiên quyết đấu tranh đến cùng để có bản quyền truyền hình. Họ xem đấy là điều kiện tiên quyết để có thể tìm doanh thu từ quảng cáo, tài trợ và là động lực để họ còn đầu tư lâu dài khi mà doanh thu từ bán vé ở các trận đấu không thể bù đắp nổi chi phí tổ chức. Vậy mà quyền quyết định về bản quyền, lại không thuộc về họ.
Đau không!
o0o
Dẹp bỏ một đội bóng, dù là giàu thành tích đến đâu, cũng thật quá dễ. Nhưng để một đội bóng “chết” chỉ vì không có tiền thì thật là tàn nhẫn. Càng tàn nhẫn hơn khi dù muốn kiếm thêm tiền để duy trì đội bóng, nhưng cơ chế và những quyết định của người có trách nhiệm lại triệt tiêu mọi nỗ lực đó.
Lời than vãn của GĐĐH Nguyễn Chí Kiên thật sự để lại dư vị chát đắng cho cái gọi là “phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam”. Chuyên nghiệp kiểu gì mà cứ phải bao cấp từ A đến Z dù là tiền từ ngân sách hay tiền của các ông bầu. Một đội bóng cố gắng đá hay hơn thì cũng chẳng vì thế mà kiếm thêm được nhiều tiền. Những nhà đầu tư bóng đá chỉ nhìn đến các lợi ích ngoài bóng đá và nếu không có thì đam mê cũng ngắn ngủi hoặc chỉ “đi buôn” bóng đá. Bóng đá đang được trả về cho xã hội nhưng tiếng nói của xã hội lại chẳng có mấy giá trị với ý chí của một vài người đang đóng vai trò điều hành nền bóng đá.
Đau không!
Hồ Việt