Từ kế hoạch năm 2016 của ĐTVN - Ăn theo giải đấu

Thái Lan vừa có chiến thắng đậm 4-2 trước Đài Loan tại vòng loại World Cup 2018 để bước một chân vào vòng loại cuối cùng ở khu vực châu Á. Kéo theo là người Thái sẽ có thêm loạt trận đấu khác, cả giao hữu lẫn chính thức, nhưng Việt Nam thì… lặng lẽ.

Thái Lan vừa có chiến thắng đậm 4-2 trước Đài Loan tại vòng loại World Cup 2018 để bước một chân vào vòng loại cuối cùng ở khu vực châu Á. Kéo theo là người Thái sẽ có thêm loạt trận đấu khác, cả giao hữu lẫn chính thức, nhưng Việt Nam thì… lặng lẽ.

Từ kế hoạch năm 2016 của ĐTVN - Ăn theo giải đấu ảnh 1

Lịch tập trung của đội tuyển quốc gia 2016 sẽ có quãng nghỉ khá dài.   Ảnh: Quang Thắng

Cái sự lặng lẽ không phải do tính đến giờ thầy trò ông Miura đã bít cửa ở sân chơi thế giới, mà nhìn sang kế hoạch thi đấu của đội tuyển Việt Nam trong năm 2016 do VFF vừa cống bố càng rầu thúi ruột hơn.

Theo đó, đội tuyển Việt Nam phải nghỉ một mạch 5 tháng, từ giữa tháng 10-2015 đến giữa tháng 3-2016 mới tập trung được 17 ngày (từ 14 đến 30-3) để đá 2 trận cuối cùng vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á với các đối thủ Đài Loan và Iraq. Tiếp đấy, được nghỉ hơn 6 tháng nữa cho đến ngày 10-10 mới tập trung lại, nhằm chuẩn bị chiến dịch AFF Cup 2016. Đó cũng chính là quãng thời gian mà nhiều người thật ngán ngẩm vì mang tiếng là đội tuyển quốc gia nhưng trái bóng của đội tuyển lại lăn rất ít theo kế hoạch quá mỏng, vậy thì liệu đội tuyển có làm ăn ra trò ở đấu trường khu vực?

Đáng ra thì sau trận đấu với Thái Lan vào ngày 13-10, đến ngày 7-11 đội tuyển sẽ tập trung để chuẩn bị cho trận gặp Indonesia trên sân khách (diễn ra ngày 17-11). Tuy nhiên, vì lý do Indonesia bị FIFA trừng phạt và cấm các hoạt động bóng đá quốc tế nên 90 phút thi đấu này bị hủy, kéo theo đội tuyển cũng bị “nấc cụt” luôn.

Trả lời báo chí về việc kế hoạch của đội tuyển bị thay đổi đến chóng mặt thì một quan chức của VFF lại chống chế: “VFF dự tính bố trí quân xanh là đội tuyển Kuwait, để chuẩn bị cho trận đấu gặp Indonesia. Nhưng vì không phải đá với Indonesia nữa nên toàn bộ kế hoạch bị hủy. Chưa nói, đội tuyển Kuwait cũng vừa nhận lệnh trừng phạt của FIFA là không được thi đấu quốc tế nên cũng không cần thiết tìm đối thủ cho đội tuyển Việt Nam làm gì. Bởi từ nay đến hết năm 2015, đội tuyển sẽ không còn nhiệm vụ nào và VFF sẽ không tiến hành triệu tập cầu thủ (!?)”.

Chuyện đội tuyển Việt Nam bị rơi vào tình cảnh “đắp chiếu” như vậy hẳn sẽ ảnh hưởng nhiều đến phong độ cũng như lối chơi toàn đội khi thi đấu. Việc đó thì ngay các chuyên gia cũng thừa nhận là với kế hoạch như thế đúng là quá mỏng. Thực tế cho thấy là ngay trong năm 2015 thầy trò ông thầy người Nhật cũng chỉ đá được 6 trận (4 trận vòng loại World Cup 2018 và 2 trận giao hữu), thì quả là con số ít hơn rất nhiều so với mức tính trung bình chừng trên dưới chục trận cho đội tuyển/năm. Thế mới thấy, cách phát biểu “lấy được” của một quan chức VFF như ở trên là hoàn toàn không phù hợp với xu thế của bóng đá hiện đại. Trong lúc chẳng cần nhìn đâu xa, vì cứ xem Thái Lan năm nay được đá lên tới 16 trận hay Myanmar, Singapore, Lào chơi 12 trận, còn Malaysia cũng có 11 trận thì đúng là ta thua thiệt đủ đường.

V-League vốn dĩ có quá nhiều điều đáng nói, còn đội tuyển Việt Nam phải trông chờ vào kế hoạch tạm bợ, trôi nổi theo từng giải đấu do VFF lập ra thì thú thật là có “thánh” xuất hiện cũng khó tạo ra một đội tuyển mạnh được. 


THANH CHI – KIM DUNG


                                                                       Nhiều dấu hỏi lớn

So với các đội bóng trong khu vực, tuyển Việt Nam thường lép vế trong việc tìm kiếm quân xanh đá giao hữu, cọ xát. Bằng chứng là năm 2015, người Thái đã chơi tổng cộng 16 trận đấu, Singapore và Myanmar đá 12 trận, còn Malaysia chơi 11 trận. Hai đội bóng dưới đẳng cấp của tuyển Việt Nam là Lào và Campuchia thậm chí còn chơi 13 và 14 trận đấu/năm. Trong khi đó, Việt Nam mới có 7 trận đấu, trong đó có một trận cầu sặc mùi thương mại là cuộc đối đầu với Manchester City.

Trận cầu sặc mùi thương mại của tuyển Việt Nam với Manchester City . Ảnh: M.Hoàng

Hiển nhiên trong hoàn cảnh như thế, chẳng có gì bất ngờ khi Việt Nam thất thế ở chiến dịch vòng loại World Cup 2018. Người Thái đá nhiều nhất Đông Nam Á và thành quả của họ chính là cơ hội gần như sẽ giành vé vượt qua vòng loại thứ 2 khu vực châu Á. Cho nên, việc tuyển Việt Nam bị bỏ bẵng hơn nửa năm, không có cơ hội đọ giày trước khi chuẩn bị cho AFF Cup 2016 thật sự gây ra nhiều hoài nghi lớn trước giải đấu lớn nhất khu vực.

Ngoài câu chuyện đau đầu quen thuộc trên, tương lai của tuyển Việt Nam cũng bỏ ngỏ nhiều rắc rối. Hợp đồng giữa VFF và HLV Miura sẽ đáo hạn vào tháng 4-2016, và chuyện ông thầy người Nhật được triển hạn hay buộc VFF phải tìm người mới thế chỗ vẫn chưa được xác nhận. Giả dụ VFF tìm người mới, bài toán HLV phải thích nghi điều kiện Việt Nam lại được đặt ra.

Tin cùng chuyên mục