Từ chuyện chạy… ra tiền

Từ một môn thể thao có hơi hướng phong trào, trước đây vẫn quen với tên gọi “việt dã”, thì nay chạy bộ hay các cuộc thi marathon đã thành môn thi đấu chuyên nghiệp.

Từ chuyện chạy… ra tiền

Thậm chí, dù chỉ mới bắt nhịp với các yếu tố nhà nghề như các giải marathon quốc tế nhưng chạy bộ đang tiếp cận rất gần với định nghĩa “kinh tế thể thao” thông qua công nghệ tổ chức, sự gắn kết với du lịch và quảng bá địa phương.

Tương tư là với bóng đá phủi. Môn chơi này thuộc mảng phong trào, nhưng sự bùng nổ của các giải phủi trên toàn quốc lại đang biến lĩnh vực này trở nên khác biệt. Ví dụ như giải bóng đá phủi Hà Nội được tổ chức theo quy mô của… V-League: có nhà tài trợ, bán vé, phát sóng trực tiếp, các CLB phải đóng phí tham gia, rồi tiến thành phân hạng đấu. Phía sau số lượng tăng nhanh của các giải, CLB bóng đá phủi, chính là hệ thống sân bóng đá cỏ nhân tạo, là chi phí thuê cũng như trang phục thi đấu mà người chơi bỏ ra cho những giờ phút giải trí, tập luyện thể thao…

Chuyện nơi nơi tổ chức, người người thi chạy marathon hay chơi bóng đá phủi vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề do sự “nở nồi” quá nhanh, nhưng chúng ta cũng nhìn thấy được những hình thái kinh tế thể thao ở những địa hạt mà ban đầu chỉ mang tính phong trào, rèn luyện sức khỏe. Điều này cho thấy để hình thành nền một ngành công nghiệp thể thao thì phải bắt đầu từ chính mảng phong trào. Hay nói cách khác, là phải gắn liền với người tập luyện thể thao cũng như khai thác tối đa cơ sở vật chất có sẵn của xã hội.

Ví dụ các cuộc thi chạy bộ đang là nơi “hút” những nguồn tài trợ hấp dẫn nhất, đa phần là các thương hiệu ngân hàng. Những đơn vị tổ chức nhìn thấy được nguồn thu từ việc bán áo bib cho VĐV đăng ký tham gia. Các địa phương cảm nhận rất rõ độ lan tỏa về mặt hình ảnh, thậm chí có thể định hình thương hiệu địa phương khi kết hợp với quảng bá du lịch thông qua những sự kiện định kỳ và bổ sung yếu tố quốc tế.

Ngay tại Mỹ, hay Hàn Quốc, Nhật Bản, nơi công nghiệp thể thao phát triển mạnh và đóng góp từ 1-3% vào GDP quốc gia, thì những môn chơi, giải đấu nhà nghề xuất phát ngay từ trong trường học, nơi có nguồn lực VĐV cũng như điều kiện đầu tư cơ sở vật chất. Thậm chí có những giải đấu đại học, trung học ở Mỹ, Nhật Bản… còn có nguồn thu khổng lồ.

Cuối cùng, việc bắt đầu kinh tế thể thao từ chính nền tảng phong trào còn có thuận lợi lớn là thu hút được những đơn vị ngoài ngành tham gia tổ chức. Tiêu biểu như Báo SGGP, đơn vị đã tổ chức giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam suốt 28 năm qua, sắp đến cũng sẽ cùng Sở VH-TT TPHCM tổ chức sự kiện chạy Run To Live 2024 và kế đến, sẽ là một giải bóng đá phủi cho các CLB mạnh của thành phố…

Tin cùng chuyên mục