Từ chuyện cái sân

Lâu nay, các câu lạc bộ hay phàn nàn VFF và VPF về công tác tổ chức cũng như những vấn đề phát sinh khiến bóng đá Việt Nam chậm phát triển. Trong các cuộc họp sơ kết, tổng kết hay hội nghị, hội thảo, thậm chí đại diện một số câu lạc bộ còn “lớn tiếng” chê bai sự quản lý yếu kém của ban tổ chức giải. Dù không nói ra, nhưng nhiều người hiểu ý của các phát biểu này là “để tôi làm thì ngon gấp mấy lần”.

Lâu nay, các câu lạc bộ hay phàn nàn VFF và VPF về công tác tổ chức cũng như những vấn đề phát sinh khiến bóng đá Việt Nam chậm phát triển. Trong các cuộc họp sơ kết, tổng kết hay hội nghị, hội thảo, thậm chí đại diện một số câu lạc bộ còn “lớn tiếng” chê bai sự quản lý yếu kém của ban tổ chức giải. Dù không nói ra, nhưng nhiều người hiểu ý của các phát biểu này là “để tôi làm thì ngon gấp mấy lần”.

Thực tế thì những tồn tại lâu nay trách nhiệm phần lớn ở VFF, tổ chức điều hành bóng đá có đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm để thực thi quyền hạn của mình. Nhưng công bằng hơn sẽ thấy chính các câu lạc bộ, nhất là câu lạc bộ tham dự V-league cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Dễ thấy nhất là sự dễ dãi đến khó tin trong việc tổ chức mô hình câu lạc bộ, sân bãi xuống cấp trầm trọng mà không được đầu tư nâng cấp sửa chữa, không có các đội trẻ kế cận… Mới đây nhất, tình trạng sân bãi kém chất lượng một lần nữa được dư luận nhắc đến để cho thấy chính các câu lạc bộ cũng là một trong những địa chỉ “nói nhiều làm ít” trong guồng máy bóng đá.

Quy định về tiêu chuẩn sân thi đấu đã nằm trong quy chế từ lâu, nhưng dường như việc áp dụng thì chưa bao giờ. Cầu thủ đá V-league trước nay rất dễ bị chấn thương, một phần do lối đá rắn, nhưng một phần cũng do chất lượng mặt sân rất kém. Trong khi đó, nhiều sân không có nhà vệ sinh, khán đài thì lở loét bong tróc ở các hàng chỗ ngồi, nhìn một sân vận động khi vắng khán giả thì không thể tưởng tượng đó là sân của đội bóng đang tham gia V-league vốn được xem là giải đấu mạnh của khu vực Đông Nam Á.

Theo rà soát mới đây, có đến 7 sân vận động của các câu lạc bộ không đủ tiêu chuẩn được cấp phép câu lạc bộ chuyên nghiệp, trong đó vướng nhiều nhất vẫn là cơ sở vật chất như sân thiếu hệ thống chiếu sáng, không có phòng vệ sinh, khán đài A không mái che, khán đài B không lắp ghế, thiếu phòng điều hành, mặt cỏ kém chất lượng… Nếu không có được giấy phép này thì đương nhiên câu lạc bộ không được tham dự V-league. Mới đây, lãnh đạo VPF khẳng định từ mùa bóng tới sẽ không có chuyện sân của câu lạc bộ nào không đủ chuẩn mà vẫn được công nhận.

Dư luận chờ đợi sự quyết tâm của VPF, nhưng nếu các câu lạc bộ vẫn không chịu thay đổi thì khó lòng cho VPF giải quyết. Bởi lẽ, nếu có đến 7 đội không được tham dự thì V-league sẽ ra sao? Rất nhiều lý do được đưa ra để biện minh cho việc không đạt chuẩn, nhưng nó cũng cho thấy sự thụ động và bất cần của không ít đội bóng. Ông chủ các đội thường cho rằng sân là do địa phương quản lý nên không thể can thiệp để làm “chứng cứ ngoại phạm”. Nhưng chuyện này thì giải quyết rất đơn giản như sân Bình Dương hay Pleiku đã làm. Vấn đề là họ có thật sự mong muốn đóng góp cho bóng đá hay không, hay chỉ làm theo kiểu hớt ngọn nếu thất bại thì dễ “bỏ chạy”.

Chỉ nói riêng về cơ sở vật chất thôi đã vậy, còn nhiều câu lạc bộ cũng chẳng quan tâm đến đào tạo trẻ. Thậm chí như HAGL vốn “nổi tiếng” với lò đào tạo trẻ lại vướng tiêu chí không có các đội bóng tham dự đủ các giải trẻ, trong khi ông bầu đội này lại rất lớn tiếng phê bình cách làm của VFF mà bản thân ông là phó chủ tịch! Không khéo, việc phê phán là chuyện nói qua nói lại, đổ lỗi cho người khác, còn chuyện của mình thì… cứ từ từ để đó.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục