HLV, VĐV của các đội tuyển quốc gia được nâng lương khi tập huấn, tập luyện không còn xa. Tuy nhiên, đấy là câu chuyện đối với cấp đội tuyển còn ở địa phương, chuyện lương và hợp đồng cho HLV, VĐV vẫn nhiều nan giải...
Mong không bị mất “lửa”
Trong Quyết định 32/2011/QĐ-TTg “về một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu”, từ ngữ đề cập cụ thể đến HLV và VĐV. Tuy vậy, trong ngạch huấn luyện thể thao còn có chức danh hướng dẫn viên thể thao. Tại nhiều địa phương, không ít người chỉ được tuyển dụng ở chức danh này mà chưa được là HLV. Dù thực tế, công việc của họ là huấn luyện VĐV thi đấu rồi có học trò giành huy chương quốc tế đáng kể. Năm 2015, liên Bộ Nội Vụ và VH-TT&DL đã ra Thông tư liên tịch 02/2015/TTLT-BNV-BVHTTDL hướng dẫn bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành TDTT. Theo đó, chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên (hạng IV) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
“Nữ hoàng kata” Nguyễn Hoàng Ngân đến giờ vẫn chưa được vào biên chế của ngành TDTT
Thể thao là đặc thù. VĐV sẽ tập luyện, thi đấu triền miên. Nhiều VĐV giỏi đạt thành tích huy chương trong và ngoài nước thì bằng cấp về học vấn không nhiều do họ không đủ thời gian đi học văn hóa. Sau giai đoạn VĐV, họ chuyển sang huấn luyện. Nếu may mắn tiếp tục học chương trình bổ túc và đào tạo Đại học hệ 8 năm, họ sẽ tốt nghiệp được tấm bằng. Còn những người trót dành trọn thời gian cho tập luyện thi đấu, họ vẫn chỉ xong chương trình THPT là hết. Vừa qua, thể thao Hà Nội gạn lọc mãi mới ký hợp đồng thêm cho 15 người để mang chức danh HLV. Quan điểm lãnh đạo ngành thể thao Hà Nội cụ thể là phải có bằng đại học thì mới được ký làm HLV nếu không sẽ chưa có hợp đồng, hoặc chỉ làm hướng dẫn viên.
15 HLV mới này được may mắn ký hợp đồng thời hạn 1 năm do họ đang trong giai đoạn học đại học và được trường xác nhận. Một cách nôm na, HLV là phải có bằng đại học còn không, người huấn luyện sẽ chỉ mang chức danh hướng dẫn viên thể thao. Thực tế tréo nghoe, không ít người chỉ là hướng dẫn viên nhưng đã được Tổng cục TDTT mời tham gia huấn luyện tại các đội tuyển thể thao quốc gia hoặc tuyển trẻ. Như thế, nghiễm nhiên chức danh được Tổng cục TDTT xác định là HLV.
Nhưng về địa phương, hướng dẫn viên vẫn là hướng dẫn viên và mức lương được nhận là rất ít do hệ số thấp. Chuyện cơ chế bị cứng nhắc trong cách thực hiện đầu ra cho người huấn luyện là bài toán mà nhiều đơn vị trong cả nước chưa tìm được lời giải hợp tình, hợp lý. HLV hoặc VĐV luôn cần sự nhiệt huyết, máu với nghề. Nếu không có một hợp đồng ổn định, chuyện mất “lửa” nhiệt huyết khó tránh khỏi.
Giữ được thầy mới có trò
Đại hội TDTT toàn quốc sẽ tổ chức năm 2018. Điều lệ Đại hội chưa công bố chính thức nhưng nhiều đơn vị đã rục rịch chuẩn bị nhân sự HLV, VĐV. Người trong nghề biết rõ, chuyện HLV, VĐV có chuyên môn cao của một đơn vị rất dễ bị nhiều đơn vị khác mời về qua lời hứa chế độ vượt trội. Muốn giữ được HLV, VĐV, bản thân địa phương quản lý người đó phải đãi ngộ và tưởng thưởng xứng đáng với kết quả họ cống hiến. Sở VH-TT-DL tại các địa phương thực hiện phương án đặc cách tuyển dụng VĐV tốt vào biên chế ngành nhằm giữ quân hiệu quả. Dù vậy, nhiều nơi, VĐV tốt vẫn mòn mỏi chờ suất biên chế thì chưa được.
Đơn cử, thể thao Hà Nội có 16 VĐV (gồm nhiều gương mặt nổi tiếng như Hoàng Ngân (karatedo), Lệ Dung (đấu kiếm), Nguyễn Thị Lụa (vật), Phước Hưng môn TDDC...) đã chờ rất lâu vẫn chưa có tín hiệu được đặc cách vào biên chế ngành. “Với thể thao, nhiều VĐV có thể không bỏ đơn vị vì sự trượng nghĩa và phục người thầy huấn luyện mình dù có thể hợp đồng chưa ổn định. Trong lâu dài, chúng tôi không muốn HLV, VĐV bị thiệt thòi. Xa hơn là khi đi tuyển VĐV, gia đình các cháu sẽ thấy tương lai của con em mình thì mới dám cho theo thể thao chuyên nghiệp. Chứ cứ nghe kể và biết là chính HLV của con mình còn chật vật vì chưa hợp đồng dài hạn thì rất dễ bị từ chối”, một nhà quản lý của Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội từng giãi bày.
NGUYỄN ĐÌNH
.