Trò đùa dại dột

Trong câu chuyện kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên không được dự tranh giải Bơi lội VĐQG 2016 đang diễn ra, có điều gì đó không ổn và vô tình gây nên sự ức chế cho HLV, VĐV cũng như những người đang quan tâm đến sự tiến bộ của cô sau Olympic 2016…

Trong câu chuyện kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên không được dự tranh giải Bơi lội VĐQG 2016 đang diễn ra, có điều gì đó không ổn và vô tình gây nên sự ức chế cho HLV, VĐV cũng như những người đang quan tâm đến sự tiến bộ của cô sau Olympic 2016…

Có nhiều luồng ý kiến nảy sinh sau sự cố Ánh Viên không được thi đấu tại giải VĐQG 2016 ở Hà Nội. Nhiều người cho rằng với trình độ và đẳng cấp đã ở mức châu lục và thế giới thì cô không cần thiết phải thể hiện tài năng của mình ở giải đấu cấp thấp như giải trong nước, đồng thời sẽ khiến các đồng nghiệp “mất động lực phấn đấu” vì không thể nào đánh bại được Ánh Viên. Ngược lại, một số nhà chuyên môn, trong đó có cả HLV Đặng Anh Tuấn - người luôn theo sát cô học trò những năm gần đây - lại luôn nhấn mạnh rằng VĐV cần được thi đấu ở mọi cấp độ giải, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp, miễn là phục vụ mục tiêu cao nhất là sự tiến bộ về trình độ.

Ánh Viên thất vọng. Ảnh: T.L

Nên nhớ rằng ngay từ đầu, chính đơn vị chủ quản của TDTT Quân đội cũng đã đồng ý để Ánh Viên tham dự 17 nội dung cá nhân và 5 nội dung tiếp sức. Theo tìm hiểu của SGGP Thể thao, thậm chí sau đó Ánh Viên và thầy mình còn chấp nhận thi đấu 10 nội dung cá nhân mà không đấu các cự ly sở trường là bơi ngửa (50m, 100m và 200m), hỗn hợp cá nhân (100m và 200m)… Song, kết luận cuối cùng là Ánh Viên vì-quá-giỏi nên phải ngồi bên lề cuộc tranh tài, bất chấp Trung tâm HLTTQG TPHCM đã tính chuyện đăng ký cho cô thi đấu trong màu áo của mình và với mục đích kiểm tra thành tích không hơn không kém.

Có một thực tế là Ánh Viên không chủ đích trở về nước để dự giải VĐQG, mà về để làm thủ tục visa chuẩn bị sang Nhật Bản dự tranh giải Vô địch châu Á. Đúng thời điểm diễn ra giải VĐQG 2016, cô cũng muốn tham dự, vừa để kiểm tra thành tích sau một thời gian tập huấn ở Mỹ, không đến mức quá ham hố những tấm HCV trong nước và những khoản tiền thưởng nhận được từ thành tích của mình. Nếu cấm 1 VĐV đẳng cấp châu Á và thế giới dự giải đấu từng là nơi giúp họ trưởng thành thì đúng là chỉ có ở Việt Nam.

Lại liên tưởng đến xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người hùng của thể thao Việt Nam ở Olympic 2016. Anh được chào đón trọng vọng khi về nước sau chiến tích lịch sử, vẫn được mời tham dự giải bắn súng VĐQG trong vai trò của 1 VĐV Quân đội. Tức là, không ai chối bỏ hoặc e ngại anh và vẫn xem đấy là 1 trong những thành viên của bộ môn bắn súng nước nhà.

Song, Xuân Vinh sau đó xin rút lui để nhường sân chơi lại cho các đồng nghiệp vì biết rằng đã tham dự bất cứ giải đấu nào cũng đều có sự chuẩn bị nghiêm túc, trong khi sau Olympic anh quá bận bịu với những chuyện khác ngoài chuyên môn. Đấy xem ra cũng là điều hợp lý và người hâm mộ trong nước hài lòng khi chứng kiến thần tượng của họ tham gia công tác thiện nguyện, giúp đời và giúp người.

Xuân Vinh thì được, vì sao Ánh Viên không được thi đấu một cách đàng hoàng ở giải VĐQG? Đấy là điều đáng suy ngẫm. Lâu nay, thể thao Việt Nam nói riêng và đấu trường SEA Games nói chung, luôn tồn tại một giao kèo ở phía hậu trường, tức là chia chác huy chương cho các đoàn tham dự để tất cả cùng vui, còn có cái mà báo cáo với cấp trên.

Bơi lội hay rất nhiều môn thể thao khác ở Việt Nam cũng chẳng phải ngoại lệ. Vấn đề này, chỉ những người trong cuộc mới biết. Nhưng cái cách mà người ta ngăn không cho Ánh Viên phô diễn khả năng của mình (dù trên thực tế chỉ nhằm kiểm tra thành tích) đã dấy lên nghi ngờ rằng đang có điều khuất tất trong lòng giải bơi lội VĐQG 2016, nhất là về việc chia chác huy chương cho các đơn vị dự giải, nên một khi Ánh Viên xuất hiện và thi đấu bùng nổ để gom trọn 22 tấm HCV cho đoàn Quân đội, các địa phương khác sẽ tay trắng ra về và cuối năm chẳng biết báo cáo điểm nhấn gì trong năm của ngành trước lãnh đạo.

Chuyện này cứ như thể một trò đùa, nhưng xem ra nó quá dại dột và đánh mất đi sự trung thực và cao thượng trong thi đấu thể thao. Bức xúc thì ít, nhưng thất vọng thì rất nhiều, chính là cảm giác của Ánh Viên bây giờ, giống như cô là người xa lạ, là rào cản cho sự phát triển của bơi lội Việt Nam vậy (!?).

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục