Tranh luận trước thềm SEA Games 32

Mặc dù Hội nghị trưởng đoàn lần thứ nhất của SEA Games 32 vừa khép lại tại Campuchia vào ngày 27-1, thế nhưng một số tranh luận về nội dung và môn thi đấu của đại hội thể thao khu vực vẫn chưa có hồi kết.
Môn Muay Thái bị loại khỏi chương trình thi đấu của SEA Games 32. Ảnh: P.MINH
Môn Muay Thái bị loại khỏi chương trình thi đấu của SEA Games 32. Ảnh: P.MINH

Điều này khiến giới làm nghề thể thao trong khu vực có phần lo ngại cho sự thành công của sự kiện sẽ diễn ra tại Campuchia vào tháng 5 tới đây.

Đầu tiên, một số thành viên thuộc Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) tiếp tục đề nghị nước chủ nhà của SEA Games 31 là Việt Nam phải cập nhật chính xác những trường hợp dính doping trong thời gian diễn ra đại hội nói trên vào tháng 5-2022 ở Việt Nam, trong đó có cả VĐV của nước chủ nhà.

Bên cạnh đó, SEAGF đã đi đến thống nhất chung loại bỏ môn thể hình khỏi chương trình tranh tài của SEA Games 32 vì giới chức môn này không tuân thủ quy định phòng chống doping của WADA (Tổ chức phòng chống doping quốc tế), chưa kể nhiều VĐV thể hình của Campuchia đã bị phát hiện sử dụng chất cấm tại Đại hội Thể thao toàn quốc Campuchia cách đây vài tháng.

Mới đây, Chủ tịch Liên đoàn Muay nghiệp dư thế giới Sakchai Tapsuwan đã chính thức gửi “tối hậu thư” đến 11 quốc gia Đông Nam Á với nội dung: “Bất kỳ quốc gia nào tham gia Kun Khmer tại SEA Games 32 ở Campuchia thì sẽ bị cấm tham gia giải vô địch Muay thế giới, Đại hội Thể thao trong nhà châu Á, Đại hội võ thuật châu Á và giải vô địch Quyền Anh thế giới. Trước mắt là những giải đấu này và có thể phạt hoặc cấm thi đấu thêm ở những cuộc thi khác”.

Hiện tại, phía Thái Lan đã kêu gọi tẩy chay Kun Khmer và động thái từ ông Sakchai Tapsuwan đã đưa sự việc trở nên cao trào hơn. Sự việc này bắt đầu từ những tranh cãi về nguồn gốc của hai môn võ Muay Thai - Kun Khmer xem đâu mới là ông tổ của môn võ thuật này khi cả hai đều nhận là quốc gia của họ mới là chính tông. Sự thể càng nóng lên khi Campuchia loại môn Muay Thai khỏi chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games 32, để thay vào đó là môn Kun Khmer.

Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Campuchia, ông Vath Chamroeun, đã nói thẳng rằng không quan tâm về vấn đề này và cũng tẩy chay ngược lại bộ môn Muay của Thái Lan. Được biết, họ cũng đã thành lập Liên đoàn Kun Khmer quốc tế với 29 thành viên trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, liên đoàn này chưa được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) hay Hội đồng Olympic châu Á (OCA) công nhận. Trong khi đó, Muay Thai đã được IOC công nhận là một môn thể thao võ thuật và đang trong quá trình xem xét để đưa vào thi đấu tại các kỳ Olympic trong thời gian tới.

Về công tác tổ chức, vào ngày 25-1 vừa qua, nước chủ nhà Campuchia đã tổ chức lễ đếm ngược 100 ngày hướng đến SEA Games 32. Đây là lần đầu tiên Campuchia đăng cai một kỳ đại hội thể thao khu vực. Dự kiến, SEA Games 32 với 37 môn, phân môn thể thao sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 17-5.

Tính đến ngày 27-1, các quốc gia đã đăng ký danh sách sơ bộ lực lượng tham dự SEA Games 32. Đoàn thể thao Việt Nam sẽ không tham dự đủ 37 môn, phân môn chính thức của đại hội, nhưng sẽ góp mặt đầy đủ ở các môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic và châu Á mà SEA Games lần này tổ chức.

Theo nước chủ nhà Campuchia, điền kinh và thể thao dưới nước là nhóm môn chủ đạo có số nội dung nhiều nhất tại SEA Games 32. Ở thể thao dưới nước, bơi chiếm 39 nội dung thi đấu, trong khi nhảy cầu dự kiến có 4 nội dung và lặn có 24 nội dung, ngoài ra môn bóng nước cũng được đưa vào chương trình chính thức với 2 nội dung. Ở điền kinh sẽ có 47 nội dung tranh tài tại SEA Games 32.

Dự kiến ngày 5-3 là thời hạn cuối để các quốc gia đăng ký danh sách chính thức dự SEA Games 32 với Ban tổ chức chủ nhà Campuchia. Đồng thời, Hội nghị trưởng đoàn lần thứ 2 cũng sẽ diễn ra vào thời điểm này.

Tin cùng chuyên mục