Hạng đấu cao nhất của bóng chuyền Việt Nam năm nay chỉ đấu đúng 1 vòng vào tháng 7. Lúc khởi sự, giới làm nghề cứ nghĩ như thế tính hấp dẫn sẽ tăng lên, bởi vì tất cả các đội bóng phải chuẩn bị lực lượng kỹ, tính toán hợp lý để đua tranh danh hiệu…
Thế nhưng mọi chuyện lại đảo lộn, diễn biến phức tạp đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nhà quản lý. Tức là chất lượng của giải đấu không tăng, ngược lại, điều tiếng lại có nguy cơ bùng phát, khi mà chuyện nhường điểm, thỏa thuận giữa 2 đội bóng nhằm ép đối thủ khác (vốn không ưa nhau) rơi xuống khu vực tranh suất trụ hạng.
Nhiều nhà chuyên môn và thậm chí là khán giả đến Nhà thi đấu Quân đoàn 4 (Bình Dương) hay Bạc Liêu xem các trận đấu đã bỏ về giữa chừng vì bức xúc với những màn kịch vụng mà VĐV các đội Công an Phú Thọ, Xổ số kiến thiết Vĩnh Long, Thể Công - Binh đoàn 15, Tràng An Ninh Bình, Quân đoàn 4… chung tay dựng lên.
Thay cho một tinh thần thi đấu fair-play trong thể thao, một vài trận đấu diễn ra đúng kiểu “có mùi” khiến người xem không ngờ vực không được. Mọi thứ cứ lồ lộ trên sân đấu, dù bảo rằng đi tìm chứng cứ xác thực thì hơi khó, song sự tinh tường của khán giả đủ để nhận ra những bất cập ở giải đấu quan trọng nhất trong năm của bóng chuyền Việt Nam. Khán giả cứ vơi dần theo từng ngày, dù bóng chuyền được xem là món ăn tinh thần không thua kém bóng đá một chút nào. Đấy chẳng phải Liên đoàn Bóng chuyền quốc gia (VFV) tính già hóa non?
Hỏi những nhà chuyên môn, một số HLV theo giải thì nhận được nhiều lời phàn nàn, rằng VFV lẽ ra nên giữ nguyên 2 vòng đấu để hạn chế bớt tiêu cực, đồng thời nới thời gian cho các đội bóng chuẩn bị lực lượng tốt hơn. Lấy lý do vì năm 2014 còn 1 giải thuộc khuôn khổ Đại hội TDTT toàn quốc nữa, nên VFV mới nảy sinh ý tưởng như vậy, rằng điều đó sẽ giúp các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị cho sự kiện 4 năm mới diễn ra 1 lần.
Có vẻ như VFV quên mất, Đại hội TDTT vốn dành cho các địa phương là chính, ngoại trừ một vài ngành từ lâu đã nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia như quân đội, công an… Đa phần các đội bóng chuyền nam lẫn nữ hiện nay có gốc gác là doanh nghiệp đầu tư. Số do các địa phương hay ngành quản lý còn lại rất ít, chẳng hạn như nam Long An, Thể Công, Công an TPHCM; nữ có Bộ Tư lệnh thông tin, Thái Bình, Thanh Hóa…
Cách tính chưa thấu đáo của VFV vô tình lại cổ súy cho những cuộc chèo kéo, mượn quân náo loạn giữa các đội bóng địa phương và doanh nghiệp để đấu giải Đại hội TDTT toàn quốc. Rốt cuộc, đến khi đại hội diễn ra, người ta lại nhìn thấy thành phần chủ lực của các đội bóng cũng chính là những người vừa đấu xong giải VĐQG ở nhiều CLB. Thế mới có chuyện 1 đội bóng vô địch cấp tỉnh, tức là nghiễm nhiên được đại diện dự Đại hội TDTT toàn quốc, nhưng đến khi vào giải, hầu hết các vị trí đứng trên sân lại được… mượn hoặc thuê từ đội bóng khác (!?).
Suy cho cùng, căn bệnh thành tích đã ăn sâu, bám rễ trong tư duy của những người làm thể thao Việt nam nói chung và bóng chuyền nói riêng. Dư luận chỉ trích cũng mặc kệ, miễn sao các địa phương đạt được mục đích ở đại hội để có thành tích báo cáo trong bản tổng kết năm.
LÊ HÙNG