Tính gần, tính xa

Thực tế chứng minh, dù kỹ thuật có trội hơn những cầu thủ cùng tuổi nhưng lứa Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh… của HA.GL chưa tạo ra sự khác biệt lớn khi thi đấu tại V-League 2015.

1. Khi mời CLB Man.City sang Việt Nam đá giao hữu, bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB) có tiết lộ đang mời Man.City phối hợp mở học viện đào tạo bóng đá tại Việt Nam.

Thêm một tín hiệu vui, nhưng nếu nhìn thực trạng của lứa cầu thủ đầu tiên do Học viện HA.GL - Arsenal JMG đào tạo, lại thấy vẫn còn mông lung lắm. Vì thực tế chứng minh, dù kỹ thuật có trội hơn những cầu thủ cùng tuổi nhưng lứa Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh… của HA.GL chưa tạo ra sự khác biệt lớn khi thi đấu tại V-League 2015. Chính HA.GL phải thuê trung vệ 19 tuổi do Trung tâm Viettel đào tạo để bổ sung cho hàng phòng ngự. Điều này cho thấy, gắn cái “mác” ngoại cũng chưa làm tăng nhanh chất lượng của tài năng.

Không hơn về chuyên môn, một số ý kiến cho rằng các cầu thủ trẻ của HA.GL vẫn xứng đáng là tài năng bởi họ “ngoan, hiền”. Điều này cũng có lý bởi bóng đá Việt Nam đã từng chứng kiến nhiều sự kiện đau lòng liên quan đến những tài năng sân cỏ nhưng có đạo đức kém, dễ sa ngã và từ đó tài năng cũng sớm tàn lụi. Tuy nhiên, nếu xây dựng một học viện bóng đá mang tên của một CLB hàng đầu thế giới như Arsenal mà chỉ vượt trội về đạo đức thì có cần thiết và tốn kém đến như vậy hay không? Tại sao không tổ chức đào tạo bóng đá ngay trong trường học để có những học sinh giỏi đá bóng lẫn văn hóa? Nói cho cùng, đã là một “lò” đào tạo bóng đá thì cái chính vẫn là năng lực đá bóng.

2. Theo nhiều chuyên gia, đào tạo là một chuyện nhưng cầu thủ có được xem là tài năng hay không còn tùy thuộc vào môi trường. Lấy ví dụ, trong đợt Man.City sang Việt Nam lần này có Radem Sterling, một cầu thủ cùng tuổi với Công Phượng, có thể hình cũng tương đối nhỏ bé, không hơn gì cầu thủ Việt Nam. Cách đây 5 năm, anh này cũng từng sang Việt Nam tham gia giao lưu trong một chương trình tìm kiếm tài năng bóng đá và ít ai ngờ, cầu thủ ngày trước đá ở vị trí trung vệ ấy hiện là tiền đạo người Anh đắt giá nhất.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải cải thiện môi trường bóng đá mới có thể giúp các tài năng trẻ phát triển. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Sterling có tuổi thơ rất dữ dội, thất học, không có cha từ nhỏ và sống trong khu nhiều tệ nạn xã hội. Nhưng từ khi được Liverpool phát hiện và đưa vào hệ thống đào tạo trẻ, Sterling nhanh chóng phát triển tài năng để giờ đây trở thành triệu phú bóng đá. Rõ ràng, xuất phát điểm của Sterling không hơn gì những cầu thủ như Công Phượng, nhưng anh ta có môi trường tốt để trở thành một cầu thủ giỏi, trong khi lứa cầu thủ như Công Phượng thì đang lặn ngụp tại V-League, chưa kịp tỏa sáng thì phải đối diện với nguy cơ sang năm đá ở giải hạng nhất, càng dễ thui chột tài năng.

Tóm lại, hãy khoan tính đến chuyện hợp tác với ai để mở lớp đào tạo nếu như chưa thể có được một môi trường bóng đá chuyên nghiệp mà ở đó, tài năng của cầu thủ được chắp cánh thăng hoa chứ không phải đối diện với cảnh mỗi lần ra sân là một lần chịu áp lực về tinh thần như hiện nay.

KHANG VIỆT

Tin cùng chuyên mục