Thông qua báo cáo này, người đọc có cái nhìn tổng thể về ngành TMĐT tại Đông Nam Á và Việt Nam, nơi TMĐT đã có vai trò thúc đẩy, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế quốc gia trong bối cảnh đại dịch. Bên cạnh đó, báo cáo này cũng chỉ ra các xu hướng đã diễn ra trong năm 2021 từ số liệu thu thập trên các nền tảng TMĐT, gồm: xu hướng hưởng ứng các hoạt động Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí), mua sắm hàng bách hóa trên sàn TMĐT, sự gia tăng về số lượng nhà bán hàng mới, sự đầu tư mạnh mẽ vào các hệ thống logistics (hậu cần) nội bộ, cũng như các hoạt động trách nhiệm xã hội.
Báo cáo cũng đi sâu vào những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng năm 2021. Nhìn chung, độ tuổi người tiêu dùng trực tuyến trên sàn TMĐT đã được mở rộng, họ dành nhiều thời gian trên các nền tảng TMĐT hơn, sẵn sàng đặt hàng với số lượng và giá trị lớn hơn.
Nhờ phân tích những thay đổi trong đối tượng nhà bán hàng, các nền tảng TMĐT đã thu hút nhiều nhà bán từ ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG (tương quan với nhu cầu gia tăng) và nhà bán phi thành thị hơn trước. Báo cáo cũng nêu bật nhiều sáng kiến từ các nền tảng TMĐT nhằm hỗ trợ, giữ chân nhà bán hàng, đồng thời giúp họ nắm bắt những khác biệt cốt lõi giữa kinh doanh trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline).
Nhiều câu chuyện kinh doanh thành công được chia sẻ trong báo cáo, cùng với những con số và kết quả ấn tượng từ Lazada Việt Nam trong năm 2021, minh chứng cho sự tăng trưởng của TMĐT trong năm qua.
Về thay đổi hành vi của người tiêu dùng, báo cáo ghi nhận 58% người tiêu dùng Việt cho rằng sẽ tiếp tục mua sắm hàng bách hóa trên nền tảng TMĐT bởi sự tiện lợi và thói quen này sẽ vẫn duy trì với 53% thừa nhận rằng mua hàng bách hóa trực tuyến đã trở thành một phần trong cuộc sống. Người tiêu dùng Việt Nam cũng sẵn sàng chi tiêu trực tuyến nhiều hơn. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng trực tuyến mua sắm trên 5 triệu đồng trong năm 2020 tăng lên đáng kể so với năm 2019.
Báo cáo cũng phân tích sự khác biệt cơ bản giữa kinh doanh trực tuyến và ngoại tuyến chính là trải nghiệm và kết nối. Không giống với mua sắm ngoại tuyến, người mua có thể “sờ tận tay, nhìn tận mắt” sản phẩm, môi trường trực tuyến cần nhiều nỗ lực hơn từ các nhà bán hàng để xây dựng “kết nối ảo” với khách hàng. Và chiến lược Shoppertainment - mua sắm kết hợp giải trí, với nhiều hoạt động đa dạng như livestream, trò chơi trực tuyến, đánh giá sản phẩm thực tế…, chính là “chìa khóa” giúp thương hiệu và nhà bán hàng tháo gỡ được nút thắt này.
Ngoài ra, các yếu tố tạo dựng sự khác biệt cho các nền tảng TMĐT cũng được nêu bật trong báo cáo bao gồm: sức mạnh từ việc đầu tư bài bản vào hệ thống cơ sở hạ tầng logistics nội bộ, hay các sáng kiến vì xã hội và cộng đồng. Cụ thể, việc duy trì giao hàng trong khoảng thời gian giãn cách nghiêm ngặt từ tháng 7 đến tháng 9-2021 đã hỗ trợ cải thiện sự hài lòng của người tiêu dùng; và những nhận định như "có trách nhiệm", "nhân ái" hoặc "đạo đức" sẽ giúp các nền tảng TMĐT để lại thiện cảm lâu hơn trong tâm trí người tiêu dùng.
Để duy trì cơ hội tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến, người bán hàng mới hoặc đã tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT nên xem xét các xu hướng được dự báo trong báo cáo: Sự lên ngôi của Social Commerce; Nội dung do người dùng sáng tạo (user generated content) sẽ trở nên quyền lực hơn bao giờ hết; Mua sắm đa kênh; Sự đa dạng hóa phương thức thanh toán mang lại trải nghiệm mua sắm tiện lợi và an toàn; Xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng.