Rốt cục ông Miura chưa thoát được cái dớp là “Vua vòng bảng”. Hai trận bán kết, 2 thất bại. Điều đáng nói, đội bóng của ông Miura đều thua trong thời điểm, sự lạc quan về cơ hội lọt vào chung kết đến gần nhất.
Thật ra việc đội bóng của ông Miura không gặp may là có. Nhưng đấy không phải là điểm mấu chốt gạt tuyển Việt Nam (hay bây giờ là U.23 Việt Nam) khỏi trận đấu cuối cùng. Cái thiếu lớn nhất chính là bản lĩnh, và 2 thất bại để ngăn thầy trò Miura đi đến chung kết đều có chung kịch bản như vậy.
Trận thua 2-4 trước Malaysia ở bán kết AFF Cup 2014, tuyển Việt Nam đã tự bắn vào chân mình. Lợi thế từ chiến thắng 2-1 tại Shah Alam đã bị phung phí theo cách hoang đường nhất để rồi trao gậy cho đối thủ. Thời khắc ấy, nhiều người nghi kỵ về chuyện tuyển Việt Nam bị “thủng”. Nhưng xét cho cùng, chính bản lĩnh còn yếu kém đã làm cho đội bóng của ông Miura trở thành khán giả ở trận chung kết.
Pha dùng tay cản bóng ngớ ngẩn của Ngọc Thắng. Ảnh: Hải Thịnh
Trận thua 1-2 trước Myanmar chiều qua có kịch bản khá giống như những gì đàn anh đã trải qua tại Mỹ Đình. Việt Nam xung trận khí thế, tưởng như ăn tươi nuốt sống đối thủ. Nhưng khi quá say với những cú vờn mồi mà không kết liễu được đối thủ, Việt Nam dính cú phản đòn.
Trừ bàn thắng của Huy Toàn, Việt Nam đã phung phí 4-5 cơ hội bằng vàng. 3/4 số cơ hội ấy bị phung phí bởi Mạc Hồng Quân. Đã đành là Hồng Quân vô duyên ở đất Singapore chiều qua, nhưng sự vô duyên ấy không chỉ vì thiếu may mắn.
Tiền đạo không chứng tỏ được bản lĩnh, phòng ngự lại không giữ được cái đầu lạnh. Tình huống thổi phạt đền có thể làm nhiều người cho rằng trọng tài gốc Saudi Arabia nặng tay. Nhưng thực tế, Ngọc Thắng đã cố tình chơi bóng bằng tay và sự tranh cãi sau quyết định thổi phạt chủ yếu do cầu thủ không hiểu luật.
Sai sót cá nhân rõ ràng là điều tối kỵ, đặc biệt khi chơi trong trận cầu lớn như trận bán kết SEA Games 28. Nhưng các học trò của HLV Miura đã không tránh được, nên việc đổ lỗi cho thất bại do kém may mắn là không thuyết phục. Bởi nhìn cái cách Myanmar thực dụng, giật vé từ tay các học trò HLV Miura mới thấy họ xứng đến từng khoảnh khắc. Thủ thế, nhẫn nại, kiên trì để rình rập, trước khi trừng phạt Việt Nam bằng việc chắt chiu những cơ hội quý giá nhất trong trận đấu.
Thua trận thì rất khó tiêu hóa, đặc biệt khi ngưỡng cửa thiên đường đã cận kề trước mặt. Nhưng một khi bản lĩnh, đẳng cấp trở thành thứ xa xỉ với Việt Nam ở trận đấu chiều qua thì thất bại là kết cục khó tránh.
Ngọc Linh
***
Không đáng thất vọng
1. Thất bại của Việt Nam tại bán kết rõ ràng là kết quả nghiệt ngã nhưng lô-gích. Nó nghiệt ngã bởi không có một con số nào cho thấy đội bóng của HLV Miura sẽ phải thua trận. Nhưng nó lô-gích ở chỗ khi một bên có mọi thứ trong tay để đánh bại đối phương mà không thể tận dụng được thì đương nhiên, phần thắng phải thuộc về phía bên kia.
Chúng ta có thể đề cập về yếu tố may mắn nhưng bản thân may mắn cũng như vậy: chỉ thuộc về bên nào biết chộp lấy nó và rõ ràng, Myanmar đã làm điều đó tốt hơn chúng ta bởi 2 cú sút đi đúng hướng khung thành gần như là duy nhất của họ thì cả 2 đều được chính cầu thủ Việt Nam “trợ giúp” mà thành bàn.
Sẽ không có may mắn cho Myanmar nếu họ chỉ biết phòng thủ không tổ chức được các đợt lên bóng sắc sảo và chắt chiu từng cơ hội sút bóng. Họ đã xây dựng trận đấu theo cách đó và thứ duy nhất mà họ chờ đợi đó chính là sự may mắn.
Ngược lại, nếu trong 20 phút dồn ép đối phương đầu trận, Việt Nam có bàn thắng thì sao? Mọi thứ khi đó sẽ vô cùng dễ dàng với chúng ta. May mắn hay không nằm ở chỗ đó.
2. Thành ra, đây là một thất bại mà chúng ta bắt buộc phải chấp nhận. Không có gì để tiếc nuối cả. Sở hữu bóng đến 73%, sút cầu môn đến 13 lần trong đó có đến 9 cú sút đi đúng hướng mà chỉ ghi 1 bàn là quá ít. Không có ông thần may mắn nào lại kiên nhẫn chờ đợi chúng ta phung phí hết cơ hội này đến cơ hội khác như vậy.
Thậm chí, theo chúng tôi, bàn gỡ 1-1 của Việt Nam có ít nhiều may mắn khi cú sút thiếu lực của Công Phượng vô tình biến thành đường chuyền cho Huy Toàn ghi bàn cận thành. Nhưng đó đã là thời điểm ở phút 73, bao nhiêu sức lực đã dồn hết cho hàng chục đợt tấn công miệt mài mà không hiệu quả. Thế nên, khi có bàn gỡ hòa thì khả năng gia tăng sức ép để kết liễu đối thủ cũng chẳng còn. Nếu Myanmar không có bàn vượt lên ở phút 79 thì họ cũng sẽ ghi bàn ở một thời điểm khác trong cái diễn biến mỗi lúc một bất lợi hơn cho Việt Nam.
3. Và vì vậy, theo chúng tôi, không có gì đáng để thất vọng cả. Chúng ta có hơn 70 phút dồn ép đối phương nhưng chỉ tổ chức tấn công theo cách quá đơn giản, không có chuyển biến về mặt chiến thuật, không có các giải pháp dự phòng để thay đổi cách tiếp cận cầu môn, thì thật khó mà giành thắng lợi trước đối thủ chấp nhận chơi “cửa dưới” càng lúc càng trở nên tự tin hơn. Các cầu thủ đã cống hiến hết sức, mỗi cá nhân của Việt Nam đều chơi đạt yêu cầu, những sai sót dẫn đến các bàn thua cũng không có gì bất thường, thế nên họ không đáng bị chỉ trích. Khả năng cầu thủ của ta cũng chỉ thế.
Chúng ta cũng không nên đổ hết trách nhiệm cho HLV Miura. Từ khi nhậm chức đến nay, ông thầy người Nhật vẫn như vậy, tập trung vào yếu tố thể lực và tinh thần, xây dựng một lối đá đơn giản thực dụng phù hợp với một đội bóng “cửa dưới”. HLV Miura có giới hạn của mình và một khi đã chấp nhận điều đó suốt hơn 1 năm qua thì cũng phải biết chấp nhận thất bại hết sức cay đắng này.
Hồ Việt