Trong vòng 7 ngày, đội bóng của HLV Hoàng Văn Phúc đá liên 3 trận giao hữu, cường độ đáng nể đối với một đội mà hầu như không có đủ thời gian tập chiến thuật. Kết quả rất khả quan, dự kiến sẽ còn khí thế hơn ở trận đấu với đại diện đến từ Hàn Quốc chiều nay. Tự nhiên bật ra câu hỏi: sao mọi thứ hanh thông đến thế?
CLB Hyundai Mipo Dol-phin vốn là một đội bán chuyên nghiệp, đang thi đấu ở giải hạng Ba theo thứ tự từ trên xuống của hệ thống thi đấu nội địa của Hàn Quốc. Đội này từng từ chối lên chơi chuyên nghiệp khi vô địch giải hạng Ba năm 2007. Nói cách khác, đây là một đội bóng nghiệp dư. Còn nếu xét về trình độ, họ có thể còn kém hơn các đội mang tên Sinh viên Hàn Quốc thường sang dự cúp TPHCM (đội sinh viên này vốn là tập hợp các cầu thủ từ những đội bán chuyên như Mipo Dolphin).
Tóm lại, nếu xem đây là một trận giao hữu chính thức do VFF thiết lập thì Hyundai Mipo Dolphin là đối thủ kém đẳng cấp nhất từ trước đến nay đối với đội tuyển Việt Nam.
Nói dông dài một chút để cho thấy, thậm chí việc VFF tổ chức bán vé trận đấu này (dù là giá rất rẻ) là không đáng bởi tính chất của nó có khác gì 2 trận đấu tập với Hải Phòng và Hà Nội T&T đâu? Nhân tiện cũng đặt vấn đề: từ nguồn cơn gì mà VFF lại bố trí trận đấu này? Tiền để tổ chức ai bỏ ra và tại sao phải bán vé?
* * *
Đặt ra những câu hỏi như vậy vì thấy có cái gì đó khá gượng gạo ở 3 trận đấu dành cho thầy trò ông Phúc luyện binh trước 2 trận đấu chính thức sắp đến ở vòng loại Asian Cup. Trận đầu tiên là đá với Hải Phòng, đội bóng mà một ứng cử viên vừa từ chối chiếc ghế HLV trưởng, đang làm việc. Chắc chắn là ông Hoàng Anh Tuấn đủ khôn khéo nhắc nhở quân mình không thể “tử chiến” với đội của ông Phúc. Kế đến là trận đấu có kết hợp làm từ thiện với Hà Nội T&T, một đội bóng của HLV Phan Thanh Hùng, người tiền nhiệm của ông Phúc. Lại là một kiểu trận đấu không được phép thắng của “quân xanh”. Nay, mang tiếng là giao hữu quốc tế nhưng với đối thủ có đẳng cấp thấp như vậy, liệu có đúng tính chất của một trận đấu giao hữu quốc tế hay không?
Ba trận đấu trong vòng 7 ngày, về lý thuyết đúng là quá tuyệt vời cho một quá trình chuẩn bị của đội tuyển quốc gia. Đã thế, 3 chiến thắng liên tiếp còn khích lệ các học trò ông Phúc cùng giới truyền thông về cái gọi là “tương lai tươi sáng”. Nhưng nếu nhìn cho đúng bản chất của 3 trận đấu, liệu có vội vàng quá không khi lạc quan về khả năng của đội bóng trẻ này?
* * *
Ông Phúc lên ngồi chiếc ghế tạm quyền trong tư thế “ngẩng cao đầu”. Ấy là vì ông cứu cho VFF một bàn thua trông thấy. Trong các đời HLV của tuyển, chắc chắn ông Phúc là người thoải mái nhất về tâm lý. Phải chăng, vì lẽ đó mà đã có một sự sắp xếp rất khéo cho màn chạy đà của ông Phúc có thể khiến mọi thứ trở nên hoàn hảo. Với điều đó, dù có thất bại ở 2 trận đấu chính thức sắp đến (vốn đã được dự báo là không đặt áp lực thành tích) thì ông Phúc vẫn có điểm cao sau “kỳ thi tạm quyền” này.
Hy vọng những phân tích nói trên là không đúng sự thật, là không hề có sự sắp xếp khéo léo nào cả mà hoàn toàn là sự tiến bộ của đội tuyển Việt Nam nhờ sự “mát tay” của ông Hoàng Văn Phúc, người đến nay vẫn đang bị giới cầm binh lão luyện tại Việt Nam hoài nghi.
Hồ Việt