Thiếu thuyền trưởng tài năng

Vai trò của HLV là rất quan trọng trong tập huấn và thi đấu đối với VĐV. Nếu chúng ta có tuyển thủ tốt mà HLV không thể theo sát thì cũng coi như bỏ không và ngược lại.

Vai trò của HLV là rất quan trọng trong tập huấn và thi đấu đối với VĐV. Nếu chúng ta có tuyển thủ tốt mà HLV không thể theo sát thì cũng coi như bỏ không và ngược lại.

Nhiều bất cập

Đội điền kinh quốc gia với tổ cự ly trung bình, đặc biệt là nhóm VĐV nữ lúc này lại đang thiếu hụt lực lượng nhất. Tuyển thủ Đỗ Thị Thảo từng bày tỏ ý định nghỉ thi đấu sau hôn nhân và sẽ xin giã từ đội tuyển. Đồng thời, Thảo đã không còn là VĐV trong danh sách được hưởng chế độ đặc thù (800 ngàn đồng/ngày). HLV phụ trách tổ này vào hiện tại là bà Hồ Thị Từ Tâm.

Sau nhiều năm, bà Tâm gần như được mặc định quán xuyến hết công việc của tổ trung bình. Bà Tâm cũng là HLV được nằm trong danh sách hưởng chế độ đặc thù như VĐV (400 ngàn đồng/người/ngày tiền ăn và 500 ngàn đồng/người/ngày tiền công). Vào lúc này, khi đã không còn Trương Thanh Hằng (giải nghệ) và Đỗ Thị Thảo (dự kiến) trên tuyển, trước mắt HLV này chỉ còn duy nhất 1 học trò nữ là chân chạy Vũ Thị Ly. Tính thời điểm hiện tại, về nữ của trung bình, chúng ta chưa có VĐV đủ năng lực tranh chấp vé Olympic hoặc có thể nắm chắc huy chương tại Asian Games 2018. Theo tìm hiểu, HLV này vẫn được đề vào danh sách nhận chế độ đặc thù trong danh sách năm 2016.

Thầy trò Nguyễn Trọng Hổ và Nguyễn Văn Hùng mừng chiến thắng ở Nay Pyi Taw.

Một trường hợp khác đó là HLV Vũ Ngọc Lợi. Trên nhiệm vụ, HLV này là người đảm trách nhiệm huấn luyện và quản lý các VĐV thuộc tổ 400m và 400m rào. Ở năm 2015, cô học trò của ông Lợi là Nguyễn Thị Huyền thi đấu tốt tại SEA Games 28 để đạt chuẩn Olympic. Hơi tiếc, ông Lợi không thuộc nhóm HLV được hưởng chế độ đặc thù. Tất nhiên, nhiều người cũng biết, đôi lúc thầy Lợi dường như quá ưu ái và chỉ tập trung tối đa vào Huyền mà không thật sát sao những tuyển thủ khác cùng nội dung.

Đó cũng là một bất cập. Ở năm 2015, chúng ta tập trung 2 nhiệm vụ quan trọng là SEA Games 28 và tranh vé Olympic 2016. SEA Games năm nay kết thúc giữa năm và qua đó, về điền kinh, chúng ta có thêm một số VĐV đủ năng lực nhắm cho cạnh tranh vé Olympic. Họ cần được bổ sung vào danh sách nhận chế độ đặc thù. Ai cần thì đã được bổ sung. HLV trực tiếp của họ không may mắn như học trò.

Đơn cử có HLV Nguyễn Mạnh Hiếu đang huấn luyện tổ nhảy xa có Bùi Thị Thu Thảo. Có năng lực và có VĐV tranh chấp vé Olympic nhưng HLV này chỉ hưởng chế độ bình thường ở tuyển. Chế độ đặc thù dành cho HLV, VĐV của Tổng cục TDTT thực hiện trong năm 2015 được kéo dài từ tháng 2 tới hết tháng 12. HLV đôi lúc sẽ chạnh lòng khi chế độ của mình không được ưu đãi song hành với VĐV trong khi có người công việc không thật hiệu quả lại được hưởng.

Cần có HLV trưởng

Từ tháng 6 tới nay (sau SEA Games 28), đội tuyển điền kinh Việt Nam không có HLV trưởng. Trước đó, người đứng vai HLV trưởng là ông Nguyễn Trọng Hổ. Bây giờ ông Hổ đã lên Tổng cục TDTT làm quản lý nên vị trí trên đang bỏ trống. Tuyển điền kinh lâu nay vốn khó tạo được tiếng nói chung giữa các HLV bởi mỗi người đảm trách một tổ chuyên biệt không ai chịu ai.

Một người có quyền thực thi cao nhất để chịu trách nhiệm cũng như là đầu mối đưa thông tin tới lãnh đạo bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) và Liên đoàn điền kinh Việt Nam không có. Lúc này, HLV tổ nào trực tiếp báo cáo việc tổ ấy tới lãnh đạo mà không cần qua ai.

Nhiều người hiểu rằng, phải khi có HLV trưởng chịu trách nhiệm cao nhất thì những vấn đề sát sườn như yêu cầu thuốc men, dinh dưỡng, nơi tập luyện, kết quả tập huấn tập luyện được báo cáo rõ ràng. Mỗi tổ một cách thực hiện riêng nên đôi khi giữa HLV với HLV và giữa VĐV với VĐV không tránh khỏi sự bì tị.

Trong năm 2016, tuyển điền kinh Việt Nam có giải quốc tế quan trọng đầu tiên diễn ra vào tháng 2 tại Doha (Qatar). Dự giải vô địch điền kinh châu Á trong nhà ở Doha, các tuyển thủ phải nỗ lực vì thành tích có xét chuẩn Olympic 2016.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục