Vụ việc bất đồng giữa vận động viên bơi lội tiềm năng Nguyễn Diệp Phương Trâm và đơn vị đào tạo là Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu suốt hơn tám tháng qua đã cơ bản đã được giải tỏa. Đúng như quan điểm của cơ quan chủ quản là Sở VH-TT TPHCM, ngành luôn có thiện chí để các vận động viên có tiềm năng phát triển tài năng, đóng góp công sức và thành tích cho thể dục thể thao thành phố cũng như quốc gia.
Phương Trâm được đánh giá là một trong những vận động viên bơi lội có những tố chất có thể mang đến những thành tích cao. Thậm chí, cô được đánh giá là một “Ánh Viên” thứ hai trong làng bơi lội nếu tài năng được nuôi dưỡng và đào tạo đúng hướng. Cô là vận động viên nhỏ tuổi nhất (14 tuổi) của đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 28 tại Singapore vừa qua. Ở SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp của mình, Phương Trâm gây bất ngờ khi lọt vào vòng chung kết hai nội dung thi đấu trên đường đua xanh. Gắn bó với Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu Yết Kiêu nhiều năm, cô đã tham gia nhiều giải trong nước và đạt được nhiều giải thưởng trong bộ sưu tập của mình.
Bất ngờ là đầu năm 2015, gia đình Phương Trâm có đơn đề nghị giải phóng hợp đồng với Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu Yết Kiêu với lý do sẽ đưa Phương Trâm đi du học. Vụ việc trở nên rắc rối khi cơ quan chủ quản và gia đình không “thống nhất” được lý do này. Sở VH-TT đồng ý giải quyết theo nguyện vọng của gia đình Phương Trâm nếu cô thực sự đi du học nước ngoài, vừa bổ sung kiến thức, vừa có điều kiện phát triển tài năng. Nhưng nếu cô muốn chuyển sang tập luyện và thi đấu cho đơn vị hay địa phương khác thì phải bồi thường chi phí đào tạo hợp lý.
Ngay từ đầu, thiện chí của lãnh đạo Sở VH-TT TPHCM đã được dư luận đồng tình, bởi hướng giải quyết này vừa có lý vừa có tình. Thế nhưng, mọi việc vẫn không thể chốt lại được ở những vấn đề như Phương Trâm có thực sự đi du học; chi phí bồi thường hợp đồng được tính trên cơ sở nào, bao nhiêu là hợp lý… Mọi việc cũng đã được đưa ra tòa để bắt đầu những phiên hòa giải. Cuối cùng thì những gút mắc cũng dần được tháo gỡ theo hướng thuận lợi nhất cho vận động viên này.
Điều rất đáng ghi nhận ở đây, như đề cập từ đầu, là thiện chí của ngành thể dục thể thao. Trong suốt thời gian xảy ra tranh chấp chưa giải quyết được, Phương Trâm vẫn được tạo điều kiện tham dự các giải đấu để tích lũy kinh nghiệm. Tại giải bơi trẻ vô địch quốc gia 2015 diễn ra trong tháng 7-2015, Phương Trâm được ngành thể dục thể thao tạo điều kiện đăng ký thi đấu dưới danh nghĩa thuộc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM. Tại giải này, cô đã xuất sắc đoạt 14 huy chương ở 15 nội dung thi đấu, trong đó có 9 huy chương vàng. Trước nay, ở nhiều bộ môn khác nhau như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt… một vận động viên khi còn đang tranh chấp với câu lạc bộ hay đơn vị quản lý thì gần như phải “nằm chờ” triền miên, chỉ có thể thi đấu khi mọi chuyện được giải quyết xong.
Với Phương Trâm, dù có xảy ra tranh chấp thì quá trình tập luyện và thi đấu vẫn diễn ra bình thường, đây là điều đáng biểu dương với các bên trong vụ việc. Vấn đề còn lại là, khi đã giải quyết xong mọi chuyện mà Phương Trâm không đi du học như lý do ban đầu mà về đầu quân cho một đơn vị hay địa phương khác thì có vẻ cái tình chưa được trọn vẹn với nơi đã đào tạo bồi dưỡng mình.
PHƯƠNG NAM