Thị trường cầu thủ ngoại tại Việt Nam - Khó có nhân tố mới

Như bao mùa bóng, càng đến gần với ngày nhập cuộc, thị trường chuyển nhượng cầu thủ ngoại “rớt giá” rất nhanh thậm chí có ông bầu đã cho biết phía CLB chỉ cần trả lương và vé máy bay, còn phần tiền lót tay thì khỏi bận tâm.
Thị trường cầu thủ ngoại tại Việt Nam - Khó có nhân tố mới

Như bao mùa bóng, càng đến gần với ngày nhập cuộc, thị trường chuyển nhượng cầu thủ ngoại “rớt giá” rất nhanh thậm chí có ông bầu đã cho biết phía CLB chỉ cần trả lương và vé máy bay, còn phần tiền lót tay thì khỏi bận tâm.

Năm nay, chuyện cầu thủ ngoại bị trượt giá đến sớm hơn bao giờ hết khi nhiều đội sớm đóng khung lực lượng hoặc không có nhu cầu kiếm cầu thủ mới vì thiếu nhà tài trợ. Mặt khác, khi mà V-League bị thu hẹp về số lượng ngoại binh xuống còn 4, cuộc cạnh tranh về chất lượng lẫn giá cả càng quyết liệt hơn. Ấy vậy mà vẫn có không ít trường hợp bị hớ hay nhiều cầu thủ ngoại vẫn còn mơ tưởng đến những nơi có tiền nhiều hơn để rồi lặng lẽ lên máy bay về nước sớm…

  • Cựu binh vẫn được giá hơn

Dẫn đầu danh sách chuyển nhượng trong thời gian qua vẫn là những gương mặt cũ như Kesley Huỳnh, từ Bình Dương về XT.Sài Gòn với tiền chuyển nhượng khoảng 300.000USD/năm; Leandro từ XM.Hải Phòng đến Bình Dương cũng không dưới 200.000USD/năm; Almeida đến Navibank SG cũng với giá chót vót bởi từng là vua phá lưới cũng như giải cầu thủ ngoại xuất sắc do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức… Hay thủ môn Santos, tiền đạo Samsom, Antonio… dù còn hợp đồng nhưng nếu đưa lên “sàn” sẽ được nhiều đội bóng lao vào ngay.

Những cầu thủ có năng lực như Kesley (trái) được ưu tiên và có giá cao. Ảnh: PHƯƠNG NGHI

Những cầu thủ có năng lực như Kesley (trái) được ưu tiên và có giá cao. Ảnh: PHƯƠNG NGHI

Sở dĩ nhiều CLB chọn cầu thủ cũ bởi không mất thời gian để thử việc, trình độ và đạo đức đã biết quá rõ cũng như thủ tục làm ITC (giấy chuyển nhượng quốc tế) nhanh chóng hơn. Nhưng số đại gia có khả năng tung tiền tỷ để lấy bằng được những cầu thủ đã có thương hiệu trên ngày càng vơi đi, hầu hết những trường hợp trên đã được chốt từ lâu, thậm chí khi mùa bóng cũ chưa kết thúc.

Cũng chính việc còn có CLB vung tay sẵn sàng chi đậm để có cầu thủ tốt đã hút nhiều nhà môi giới xuất hiện ở Việt Nam. Ban đầu bằng những bản giới thiệu rất “kêu” nhưng khi kiểm tra thử việc thì nhiều HLV đã phải lắc đầu: “Họ giống như Tây ba lô ở khu Phạm Ngũ Lão” hay “nhân công hái cà phê ở Brazil”… Có nơi thử cả chục lượt cầu thủ nhưng rồi cũng không đâu vào đâu đành phải loay hoay tìm cầu thủ cũ.

  • Vui buồn những “phiên chợ chiều”

Đến lúc này, số đội V-League hay hạng nhất còn cần cầu thủ chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng lượng cầu thủ ngoại chưa tìm được hợp đồng đang đóng quân ở Thành Long, những khách sạn mini ở quận 1-TPHCM hay Hà Nội lại khá đông. Các nhà môi giới bắt đầu tính đến chuyện “đại hạ giá” đến mức thấp nhất, nghĩa là đội bóng chỉ cần trả lương và một ít tiền vừa đủ để thanh toán vé máy bay cho cầu thủ. Có trường hợp khi mới sang được kê giá cỡ 20.000-30.000USD nhưng nay lại nằm trong số “bao nhiêu cũng được”.

Đấy cũng là những chiêu thức của các nhà môi giới, thường đưa sang Việt Nam là “cáp” ngay vào những đội bóng có tiềm năng về kinh tế. Cứ thế dần xuống các đội hạng nhất cùng phí lót tay giảm dần đến mức tối thiểu như đã nêu.

Có những trường hợp đứng núi này trông núi nọ để rồi mất trắng. Như trường hợp 2 cầu thủ Brazil đã ký hợp đồng với An Giang nhưng rồi đi theo tiếng rao của một nhà môi giới ở TPHCM để nay chuẩn bị hành trang về nước.

Hay như cầu thủ có tên Cesar, khi sang Việt Nam tưởng như sẽ thi đấu cho Đồng Nai, nơi mà HLV đội này đã đồng ý, nhưng anh này lại chọn một đội bóng khác ở Hà Nội vì “muốn chơi ở V-League” nhưng đến nay đang lang thang đâu đó ở quận 1.

John Wole (từng chơi cho TP.HCM) cũng vậy, thử việc ở An Giang một thời gian, tưởng như mọi chuyện đã xong, giờ chót bất ngờ bay ra Hà Nội theo lời đề nghị của một đội chuyên nghiệp để rồi nguy cơ thất nghiệp trong mùa này khá cao.

Hay nổi tiếng như Timothy, từ chối lời đề nghị ở lại của HP.HN để bay vào Bình Dương tìm cơ hội nhưng chỉ sau 3 trận đấu đã trở lại Hà Nội và không biết liệu vị trí của mình đã có ai lấp vào chưa…

Có thể đấy là những rủi ro, tai nạn nghề nghiệp của các cầu thủ trong việc lựa chọn bởi cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người, nơi đâu có điều kiện thì họ tìm đến. Nhưng tính cạnh tranh ở Việt Nam ngày càng cao, các HLV càng khắc khe hơn trong tuyển quân nên vận may thường không đến nhiều.

NGUYÊN THỊNH

Tin cùng chuyên mục